Hiện nay, số liệu của Bộ Y tế cho thấy dịch COVID-19 đã giảm sâu so với vài tháng trước, các hoạt động đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19 vẫn còn hiệu lực.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh chính đã ký công điện yêu cầu các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đang còn hiệu lực để người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm ổn định cuộc sống.
Các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 còn hiệu lực, gồm:
Thứ nhất, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo khoản 1 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong 12 tháng.
Thời gian thực hiện: đến hết ngày 30/6/2022.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
Căn cứ tại khoản 3 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
Thời gian thực hiện: Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp hết ngày 30/6/2022.
Thứ ba, chính sách giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động
Đây là nội dung chính tại Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 do Chính phủ ban hành. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian thực hiện: 12 tháng, hạn chót đến hết ngày 30/9/2022.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố và cơ quan có liên quan thực hiện các hiện các biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động như sau:
- Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ; đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, không để xảy ra tình trạng trục lợi BHXH;
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 còn hiệu lực tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].