Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học.
Theo kế hoạch của TP.HCM, từ ngày 13/12 đến ngày 25/12, học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 của toàn TP sẽ đi học trực tiếp. Từ ngày 20/12 - 25/12, TP.HCM sẽ tổ chức dạy học trực tiếp đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Sở Y tế TP.HCM đã lên phương án chủ động phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục theo nguyên tắc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm ca nhiễm, cách ly, khoanh vùng kịp thời, không để lây lan trong trường học; đảm bảo môi trường an toàn và thích ứng linh hoạt trong cơ sở giáo dục, hạn chế tối đa gián đoạn hoạt động dạy - học.
Trước khi tổ chức hoạt động, trường học phải xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định...
Học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì không đến trường và thông báo ngay cho cơ sở giáo dục và y tế địa phương.
Người làm việc trong cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện: đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, đã khỏi bệnh, nếu thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì được xét nghiệm tầm soát hằng tuần.
Khi tổ chức hoạt động trực tiếp, yêu cầu phụ huynh hoặc người đưa đón học sinh không vào trong khuôn viên cơ sở giáo dục khi đưa đón học sinh. Đảm bảo các yêu cầu về giãn cách trong phòng học, phòng làm việc, hạn chế những hoạt động có giao tiếp gần trong lớp học, hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa các lớp trong cùng khối...
Khi phát hiện F0 trong trường học, lớp học sẽ thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng chống dịch…
Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).
Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Theo dõi F1 tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
F1 chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.
Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: nếu có 1 ca dương tính với COVID-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.
Sở Y tế lưu ý, nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:
Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.
Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.
Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.