Những hành vi này sẽ xuất hiện trong từng giai đoạn phát triển của con. Nhiều mẹ cảm thấy xấu và tìm cách thay đổi nhưng không biết rằng điều này rất có lợi cho con.
Mỗi đứa trẻ trong quá trình phát triển sẽ bộc lộ những đặc điểm riêng biệt về thể chất, hành vi, tính cách. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, từ khi sinh ra cho tới lúc lớn lên, có một số giai đoạn nhất định trẻ sẽ phát triển gần như giống hệt nhau.
Ví dụ như đứa trẻ nào cũng thích cho tay vào mồm, hay gặm bất cứ thứ gì mà chúng nhặt được. Khóc ăn vạ mỗi khi không được cha mẹ đáp ứng nhu cầu nào đấy...
Có 2 hành vi cha mẹ tưởng rằng xấu xí nhưng thực chất lại rất có lợi cho sự phát triển toàn diện của con.
Gặm, mút tay
Về cơ bản, tất cả các bé đều thích gặm và mút tay của mình. Ban đầu bé sẽ mút cả bàn tay, nắm đấm tay, dần dần là từng ngón. Nhìn thấy trẻ làm như vậy, đa phần các bà mẹ đều cảm thấy mất vệ sinh và không muốn con mình lặp lại hành vi đó.
Tuy nhiên mẹ nên biết rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, bé đã có phản xạ mút tay. Sau khi chào đời, bé tiếp tục phát triển kỹ năng này và cho đến lúc bé làm được thành thạo có nghĩa là bộ não của trẻ cũng đã dần hoàn thiện hơn. Bởi tay và não được cho là có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Việc mẹ cần làm là giữ cho bàn tay của con sạch sẽ để không bị vi khuẩn xâm nhập vào bụng thay vì cố giữ cho con không mút tay hay mua đồ gặm cho con. Thường là sau 10 tháng trở đi, trẻ sẽ không còn hành động này nữa.
Phớt lờ tiếng gọi của mẹ
Thỉnh thoảng khi em bé chăm chú làm những việc của mình, chẳng hạn như chơi với đồ chơi, bé sẽ hoàn toàn đắm chìm trong thế giới của mình. Lúc này, nếu mẹ có gọi thì em bé có thể phớt lờ khiến mẹ buồn.
Thực tế là mẹ nên vui vì con mình có khả năng chơi tự lập khá tốt. Lúc đó là lúc bé chìm trong thế giới của mình để cảm nhận, tưởng tượng và ghi nhận thông tin. Thông thường những em bé có khả năng tự chơi một mình tốt cũng sẽ thông minh hơn so với bạn bè cùng trang lứa.