Hiện nay, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 2,5 đến 4 tỉ tấn rác thải.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường cũng như chất lượng cuộc sống của con người.
Vậy chúng ta phải làm gì để giảm bớt lượng rác thải mỗi ngày?
Hãy cùng Gia Đình Mới khám phá hành trình 7 ngày để chuyển sang lối sống không rác thải.
NGÀY 1: NHỮNG SẢN PHẨM DÙNG MỘT LẦN
Mỗi lần đi chợ chúng ta lại mang theo rất nhiều túi nilon về nhà.
Đi ra hàng uống nước thì họ đưa cho cốc nhựa, cốc giấy với ống hút.
Đi mua đồ ăn ngoài thì họ không đưa hộp xốp thì cũng đưa thìa nhựa, đũa tre. Tất cả đều là những thứ dùng một lần rồi vứt đi.
Những sản phẩm dùng một lần tạo ra một lượng rác thải vô cùng lớn mỗi ngày.
Vì thế, nguyên tắc đầu tiên là tuyệt đối không dùng sản phẩm một lần.
Giải pháp: Mang túi vải và hộp thủy tinh đi chợ. Túi vải để đựng rau củ, hộp thủy tinh đựng những đồ nước và thịt.
Tuy cồng kềnh, nhưng hãy thử làm quen với thói quen này để giảm bớt lượng túi nilon mang về nhà.
Đi uống cafe cũng mang theo lọ thủy tinh để mua. Nếu bạn là 'fan' của ống hút, hãy tìm mua một chiếc ống hút tre hoặc inox để không phải vứt chúng đi mỗi khi dùng xong.
NGÀY 2: Ủ PHÂN
Nếu không có túi nilon thì chúng ta lấy gì đựng rác hữu cơ trong quá trình nấu ăn?
Giải pháp: Hãy học ủ phân theo cách vô cùng đơn giản dưới đây.
Bước 1: Chọn thùng ủ phân
Nếu nhà bạn có vườn, hãy đào một cái hố và đổ rác hữu cơ xuống, sau đó lấp lại để chúng phân hủy tự nhiên.
Còn nếu không có vườn, bạn hãy chọn một chiếc thùng gỗ hoặc nhựa có kích cỡ vừa đủ với lượng tác thải trong nhà, sau đó đục lỗ để thoát nước, thoát khí.
Bước 2: Chọn vị trí đặt thùng
Hãy đặt thùng ở những nơi thoát nước. Nên đặt ở nền đất thay vì nền bê tông, hoặc để trên sân thượng để thu được nhiều nắng và không gây ô nhiễm cho không gian sinh hoạt trong nhà.
Bước 3: Phân loại rác
Việc cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây là rất quan trọng.
Trong đó cacbon và đạm nitơ là không thể thiếu để cây phát triển.
Chúng ta có thể phân chia rác hữu cơ ra làm 2 loại đó là phân xanh cung cấp nitơ và phân nâu cung cấp cacbon.
Hãy chú ý không chọn những loại rác thải dạng thịt, trứng, sữa, cá, thực phẩm đã chế biến... để ủ phân vì chúng dễ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến các vi sinh vật có lợi trong quá trình ủ.
Bước 4: Ủ phân
Cứ một lớp rác hữu cơ thì một lớp đất mỏng, thỉnh thoảng đảo lên và giữ ẩm với độ ẩm lý tưởng từ 40% - 60%, sau một tháng bạn sẽ có phân để trồng cây.
Điều cần lưu ý là ủ phân cần có: các chất hữu cơ, độ ẩm, oxi, vi sinh vật.
NGÀY 3: THAY THẾ CHẤT HÓA HỌC
Mỗi tháng, có rất nhiều chai lọ đựng dầu gội, sữa tắm… bị thải ra môi trường.
Vì vậy, một điều cần thay đổi là phải dừng việc dùng những chất hóa học này.
Không chỉ vậy, những hạt vi nhựa trong các loại dầu gội, kem đánh răng hay sữa rửa mặt đều rất độc hại cho cả môi trường và chính chúng ta.
Giải pháp: Hãy thay các chất tẩy rửa bằng các sản phẩm tự nhiên.
Nếu cảm thấy bất tiện, bạn hãy tìm mua những sản phẩm chất tẩy rửa tự nhiên được bán ở những cửa hàng có uy tín.
Còn nếu có thời gian, hãy cùng gia đình làm những sản phẩm tẩy rửa tự nhiên ngay tại nhà.
NGÀY 4: ĐỒ NHỰA VÀ CÁC SẢN PHẨM ĐÓNG GÓI
Giải pháp: Hãy thay hộp đựng bằng nhựa thành thủy tinh để vừa thân thiện với môi trường vừa an toàn cho sức khỏe. Sử dụng bàn chải tre, tăm bông tre, ống hút tre thay vì nhựa…
Nguyên tắc này là: thay thế mọi vật dụng dễ trở thành rác thải trong nhà thành những vật dụng có tuổi thọ lâu hơn và chất liệu thân thiện hơn.
Ngoài ra, hãy hạn chế tối đa sử dụng đồ ăn có đóng bao bì.
Thay vì mua những thứ có sẵn, hãy dành thời gian tự làm đồ ăn ở nhà. Dần dần bạn sẽ quen và còn nâng cao ‘tay nghề’ nấu ăn nữa.
NGÀY 5: PHÂN LOẠI RÁC
Rác thải khi không phân loại mà để chung với nhau rất dễ gây ô nhiễm môi trường.
Khi xử lý chung mọi loại rác thải dễ gây ra những phản ứng hóa học hoặc vật lý gây nguy hiểm cho con người và môi trường sống.
Vì vậy, hãy phân loại rác thải để chúng được xử lý một cách đúng nhất.
Giải pháp: Có 2 loại rác thải: rác hữu cơ và rác vô cơ.
Rác hữu cơ thì bạn đã ủ thành phân rồi.
Rác vô cơ được chia ra làm 3 loại: loại tái chế được (giấy, kim loại, xốp hạt to, chai lọ nhựa); loại rác thải độc hại (thủy ngân, bóng huỳnh quang) và những loại hỗn tạp cần tiêu hủy hoặc chôn; loại rác thải điện tử (pin, điện thoại,...).
Với mỗi loại rác, hãy tìm cách xử lý phù hợp như bán đồng nát, xử lý ở những nơi chuyên thu gom...
NGÀY 6: TÁI CHẾ, TÁI SỬ DỤNG
Xung quanh chúng ta có rất nhiều vật dụng có thể tái chế, tái sử dụng thay vì vứt đi.
Nhưng ít người để tâm đến điều đó mà chỉ muốn vứt chúng ra khỏi nhà càng sớm càng tốt ngay khi chúng không còn giá trị sử dụng như ban đầu.
Giải pháp: Hãy tìm hiểu và tái chế những vật dụng cũ như quần áo, chai lọ,... thành những thứ mới mẻ, hữu ích để tiếp tục sử dụng, góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường.
NGÀY 7: NGHĨ VÀ LÀM
Hãy luôn suy nghĩ về những điều mình có thể thay đổi trong cuộc sống hàng ngày để giảm thiểu lượng rác thải, bảo vệ môi trường.
Khi mua thứ gì đó, hãy nghĩ xem nó đến từ đâu, và sẽ đi về đâu.
Từ đó tập cho mình thói quen tìm tòi những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho những thứ sẽ sớm trở thành rác thải mà chúng ta vẫn dùng.
Vì chỉ khi bạn suy nghĩ và hành động, môi trường của chúng ta mới có thể xanh - sạch - đẹp.
Lam ĐiểuBạn đang xem bài viết 7 ngày để chuyển sang lối sống không rác thải, tại sao không? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].