Vì sao nắng nóng gây đột quỵ?
Trung bình mỗi năm nước ta có gần 200.000 ca đột quỵ và có đến 50% số trường hợp này diễn biến xấu đi, thậm chí tử vong. Đặc biệt, mỗi khi vào mùa nắng nóng đỉnh điểm, số ca đột quỵ có xu hướng gia tăng. Nếu biểu đồ dao động nhiệt độ tăng thêm 5 độ C, thì tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng lên đến 6%.
Đối với cơ thể người, nhiệt độ phù hợp nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20-30 độ C cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt. Tuy nhiên, nếu vượt xa ngưỡng này, cơ thể không thể điều chỉnh kịp sẽ dẫn đến các tai biến do nhiệt độ, điển hình và đáng lo nhất là đột quỵ.
Nguyên nhân oi bức và đột quỵ “bắt tay” nhau là vì trời nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều nên dễ mất nước, làm máu trở nên đặc quánh, tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối. Mất nước cũng làm giảm lượng máu lên não nên sẽ tăng khả năng gây ra đột quỵ.
Mùa hè, bia rượu cũng trở nên đắt khách vì là món giải khát của nhiều quý ông, cộng thêm thuốc lá, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng máy lạnh ra môi trường bên ngoài hoặc ngược lại, tắm ngay sau khi đi nắng về… đều là những thói quen xấu, là yếu tố nguy cơ khiến đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào.
6 trường hợp nguy cơ cao bị đột quỵ khi nắng nóng gay gắt
Dẫn đầu nhóm nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng là người già trên 60 tuổi: Yếu tố thời tiết ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người cao tuổi vốn xoay sở kém với việc tăng nhiệt. Nếu nhiệt độ quá cao, sẽ ảnh hưởng tới những bệnh nhân có bệnh mãn tính nhất là những người bị tăng huyết áp, dễ dàng xảy ra những cơn tăng huyết áp từ đó gây lên đột quỵ não.
Người mắc bệnh tim mạch:
Đối với một số bệnh tim mạch như: suy tim, bệnh mạch vành, khi nắng nóng, tim phải gắng sức co bóp làm tình trạng suy tim tăng, có thể gây tử vong. Mặt khác, tim gắng sức sẽ tăng nhu cầu ôxy của tim nên dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ gây cơn đau thắt ngực, mệt, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim. Những người đã đặt stent mạch vành hoặc van tim cơ học, việc mất nước khiến máu bị cô đặc, dễ tạo cục máu đông gây tắc stent hoặc kẹt van tim là những tình huống hết sức nguy hiểm.
Người mắc bệnh tiểu đường:
bệnh nhân tiểu đường có xu hướng mất nước nhanh hơn những người bình thường và cũng có nhiều khả năng bị sốc nhiệt hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Tổn thương thận lâu dài cũng góp phần gây ra điều này. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt giữ mát trong những tháng mùa hè.
Tăng huyết áp
Trong mùa hè, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não.
Mặt khác, nhiệt độ nóng bức khiến tim đập nhanh, huyết áp vì thế cũng tăng. Đây là trở ngại cho những người sẵn có bệnh THA. Người bị THA thường cảm thấy bứt rứt khó chịu, chóng mặt, nhức đầu. Nếu không kiểm soát huyết áp tốt và điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (đau tim, nhồi máu cơ tim...).
Người mỡ máu cao
có thể đưa đến đột quỵ là vì căn bệnh này khiến cho tinh thể cholesterol dễ lắng đọng trong thành mạch, hình thành mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa di chuyển từ nơi khác đến hoặc hình thành ngay tại mạch máu não sẽ làm hẹp lòng mạch, dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn và gây thiếu máu não.
Ở giai đoạn nặng hơn, dòng máu lên não có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn và gây ra đột quỵ não (nhồi máu não). Rối loạn mỡ máu cùng với sự tổn thương nội mạc mạch máu do gốc tự do gây ra càng làm tăng nguy cơ bệnh lý mạch máu não.
Nguy cơ đột quỵ ở người tăng mỡ máu càng lớn nếu đồng thời có các yếu tố nguy cơ khác như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia và đặc biệt là sự tác động của thời tiết. Điều đáng buồn là, tăng mỡ máu thường có mối liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp, đái tháo đường. Vì vậy trên một người có thể có nhiều yếu tố đi kèm và thúc đẩy nhau tiến triển, đưa đến đột quỵ.
Những người trẻ thường xuyên uống rượu bia, sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, hay phải chịu áp lực công việc/cuộc sống
Những người này cũng rất dễ bị đột quỵ vào mùa hè. Theo thống kê, tỷ lệ người trẻ phải nhập viện vì đột quỵ trong mùa nắng nóng những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh.
Phòng chống đột quỵ trong mùa nắng nóng
Mùa hè là cao điểm nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài đường, nhất là những lúc nắng gắt, buổi trưa đứng nắng.
Với người mắc bệnh tim mạch, nên dùng máy điều hòa để làm mát. Khi dùng máy điều hòa, chỉ nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27oC và mức chênh lệch trong và ngoài phòng không nên vượt quá 7 độ C.
Ngoài ra, thời tiết nóng khiến cho cơ thể mất nhiều nước, do đó cần chú ý thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày. Việc này sẽ giúp tăng thể tích dịch cơ thể, tránh máu tăng đặc dẫn tới sự hình thành huyết khối (cục máu đông).
Nên tập thói quen khi không khát cũng phải uống đủ nước, vì hầu như người cao tuổi sẽ không cảm thấy khát nước. Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây, ăn bổ sung canh rau, củ quả mỗi ngày. Đặc biệt, lúc sáng sớm sau khi ngủ dậy, nên uống một cốc nước, mỗi ngày nên bổ sung đủ từ 2 lít nước cho cơ thể. Nếu phải tập luyện thể dục, trước khi tập nên uống 1 cốc nước và cứ sau 20 phút vận động mạnh thì nên bổ sung nước 1 lần.
Mùa nắng nóng nên mặc quần áo nhẹ, rộng, màu sáng, tránh mặc đồ bó khó chịu, đội mũ rộng vàng và nên đeo kính bảo vệ mắt. Khi ra ngoài, cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da, với chỉ số chống nắng từ 30 SPF trở lên. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát.
Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi thành phần cồn và cafein sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dễ dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nắng nóng gay gắt cũng là lúc bệnh đột quỵ vào guồng gia tăng, 6 người có nguy cơ cao cần hết đặc biệt chú ý tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].