1. Nước đậu xanh
Hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát, vào các kinh tâm và vị, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thử, lợi thủy, giải độc.
Để giúp giải độc cơ thể, dùng khoảng 100g đậu xanh rang chín và đun nước uống trong ngày, có thể ăn cả bã đậu.
Hoặc dùng 100g đậu xanh cùng với 100g gạo tẻ, vỏ sạch và ninh nhừ thành cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn cháo đậu xanh sẽ rất tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung dinh dưỡng, làm thanh nhiệt, thải độc cơ thể cực tốt.
2. Nước cam thảo
Rễ cam thảo bắc có vị ngọt tính bình, đem sấy khô hoặc để tươi đun uống có tác dụng giải độc cơ thể, tả hỏa. Khi tẩm mật sao vàng lại có tác dụng ôn trung, nhuận phế, điều hòa các vị thuốc.
Để chữa mụn nhọt, giải độc cho cơ thể có thể dùng cao mềm cam thảo, ngày uống 1 – 2 thìa cà phê pha với nước ấm. Hoặc cũng có thể dùng 5 – 10 đoạn nhỏ rễ cam thảo đem đun với nước uống trong ngày.
3. Nước vừng đen
Hạt vừng đen là loại thực phẩm giàu protein, ít calo. Trong Đông y, vừng đen được đánh giá là thực phẩm giải độc gan tốt nhất và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, có tác dụng dưỡng huyết, nhuận táo, bổ ngũ tạng, hư nhược, ích khí lực, bền gân cốt, sáng mắt, thêm thông minh, dùng ngoài đắp trị sưng tấy, vết bỏng và làm cao dán nhọt... Ngoài ra, hạt vừng và dầu hạt vừng được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng.
Để giúp thải độc cơ thể hiệu quả có thể dùng 1 nắm vừng đen đun với nước để uống hoặc vừng đen rang chín đun nước uống hàng ngày. Thường xuyên uống nước vừng đen sẽ mang lại tác dụng thải độc cho gan, loại bỏ một số hợp chất có hại tồn tại trong cơ thể, làm giảm thiệt hại mà các chất độc gây ra cho gan.
Hoặc lấy 30g vừng đen giã nhỏ đem nấu cùng 50g gạo tẻ, tất cả ninh nhừ thành cháo để ăn trong ngày. Món cháo này vừa có tác dụng nhuận tràng, vừa giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
4. Nước mướp đắng
Trong Đông y, mướp đắng vị đắng, ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt, giải độc làm mát gan, bổ gan mật… Do đó, để giải độc cơ thể, giúp bổ gan mật, nên đem mướp đắng đun với nước uống hàng ngày. Nếu nước mướp đắng khó uống có thể thêm chút đường hoặc chế biến mướp đắng thành những món ăn khác như canh mướp đắng nấu xương, mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng xào trứng… tùy sở thích mỗi người để đem lại hiệu quả tốt nhất.
5. Nước rau má
Rau má có tính mát, giúp nhuận tràng và giải độc gan rất tốt. Trong y học cổ truyền, rau má được sử dụng hữa bệnh viêm gan, da vàng sạm, lòng bàn tay nóng, đau thường xuyên vùng hạ sườn…
Với những người bị nóng gan, gan tổn thương do dùng nhiều bia rượu có thể dùng bài thuốc kết hợp rau má và râu ngô sắc nước uống sẽ rất tốt. Có thể dùng khoảng 50g rau má (rửa sạch cả cây bao gồm rễ và lá), 20g râu ngô, sắc với 1 lít nước sau đó cô lại còn 30 ml, chia đều uống 2 lần/ ngày. Uống liên tục trong 30 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Hoặc cũng có thể lấy 150g rau má tươi nấu với 500 ml nước, đun đến khi còn lại 250 ml, pha thêm một chút đường phèn. Chia đều uống 3 lần/ ngày khi đói bụng cũng đem lại hiệu quả tích cực.