4 sai lầm khi xử lý kiến ba khoang đốt khiến chất độc lây lan, vết thương để lại sẹo

Hiện tại đang là thời điểm kiến ba khoang vào mùa, nhiều bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt đã phải đến bệnh viện điều trị do trước đó đã có những xử lý sai lầm.

Trong cơ thể kiến khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ, tuy nhiên vì hàm lượng nhỏ nên không gây chết người như nọc rắn.

Theo bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tùy từng bệnh nhân sẽ có những tình trạng khác nhau, có bệnh nhân tổn thương giới hạn ít, có những bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào gãi. Đặc biệt có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.

Dưới đây là những sai lầm khi xử lý kiến ba khoang đốt:

Thứ nhất, nhiều người khi bị kiến ba khoang đốt thì dùng tay đập kiến. Việc này đã vô tính làm độc tố của kiến được giải phóng ra và tiếp xúc với da, gây ngứa rát, nổi mụn.

Thứ hai, sau khi bị viêm da do độc tố kiến ba khoang, nhiều người dân đã tìm đến các bài thuốc, mẹo vặt dân gian như: Đắp lá, dùng gạo, đậu xanh xay lấy nước bôi,... hay mua các loại thuốc trị côn trùng cắn, thuốc chữa viêm da, dị ứng tại các hiệu thuốc mà không qua kê đơn.

Kiến ba khoang có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ.

Kiến ba khoang có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ.

Các biện pháp này có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, tổn thương da nặng hoặc lan ra các vùng da khác, gây sẹo xấu, thậm chí có thể nguy hiểm.

Thứ ba, gãi vết thương. Da bị chất độc kiến làm tổn thương gây khó chịu, ngứa nên nhiều người theo phản xạ gãi lên vết thương khiến vết thương bị trầy xước, tổn thương sâu hơn. Mặt khác, tay chưa rửa chứa nhiều vi khuẩn khi tiếp xúc với vết thương dễ dẫn đến nhiễm trùng da rất nguy hiểm.

Thứ tư, một số trường hợp không biết mình bị kiến ba khoang đốt nên khi thấy các vết ngứa, rát thì hay nghĩ là bị "giời leo" (Zona thần kinh) nên tự mua thuốc để bôi. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, việc bôi thuốc không đúng sẽ khiến vết thương nhanh chóng bị nặng hơn, để lại sẹo.

Xử trí khi gặp kiến ba khoang

- Không nên đập, chà xát để tránh nọc độc tiếp xúc với da. Thay vào đó, dùng giấy, khăn, băng keo dính để bắt chúng.

- Tuyệt đối tránh dùng tay không để bắt, giết, miết kiến ba khoang.

- Nếu bị kiến bò lên người thì rửa sạch vùng da đó với nước sạch xà phòng.

Phát hiện sớm và bôi thuốc đúng khi bị kiến ba khoang đốt để tránh bị sẹo.

Phát hiện sớm và bôi thuốc đúng khi bị kiến ba khoang đốt để tránh bị sẹo.

- Không nên cào, gãi lên vết thương dễ gây bội nhiễm, tạo thành mủ, gây sốt. Đặc biệt khi trẻ em bị kiến tấn công, tốt nhất nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị sớm và thích hợp.

- Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác như Zona (Herpes Zoster, dân gian gọi là "giời leo"). Do đó mọi người cần chú ý hơn. Đặc biệt tổn thương ở vùng mắt sẽ khiến mắt bị phù nề, phải đi khám ngay.

- Trường hợp tổn thương nặng, phù nề nhiều, viêm nhiễm không nên tự ý lấy thuốc bôi, vì da đã bị phỏng rộp bôi thuốc sẽ làm cho tình trạng phỏng rộp nghiêm trọng hơn. Nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính