Hiện đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên rất nhiều người bị kiến đốt, gây viêm da tiếp xúc nặng. Thống kê của BV Da liễu Trung ương cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 9/2022 có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, trong đó gần 1 nửa là bệnh nhân viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang.
Theo các chuyên gia y tế, bên trong cơ thể kiến ba khoang có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Chất Pederin không được kiến chủ động tiết ra mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi cơ thể bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường.
Khi chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm (da vùng mặt, cổ, cánh tay, bắp chân…) thì các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Một vài trường hợp gây viêm da và nếu không chăm sóc tốt vết thương thì có thể gây nhiễm trùng và tình trạng vết thương trở nặng hơn.
Biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt
- Ban đỏ dạng vệt xuất hiện 24-48 giờ sau khi tiếp xúc với kiến khoang;
- Tiếp theo thường là mụn nước và mụn mủ sau 2-4 ngày;
- Các dấu hiệu kéo dài một tuần hoặc hơn để lành.
Các đặc điểm da của bệnh bao gồm:
+ Ban đỏ;
+ Mụn nước và mụn mủ;
+ Cảm giác nóng bỏng;
+ "Thương tổn hôn nhau" – nơi hai bề mặt uốn liền kề kết hợp với nhau;
+ Viêm da quanh mắt, viêm kết mạc, viêm quy đầu do truyền chất độc qua tay.
Biến chứng
- Nhiễm trùng
- Tăng sắc tố sau viêm
- Sẹo
Xử trí đúng cách khi bị kiến ba khoang đốt
- Bước đầu tiên nên rửa vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước muối sinh lý, nước sạch trong 5-10 phút để loại bỏ độc tố pederin
- Sau khi làm sạch, hãy chườm mát và bôi kem làm dịu da
- Cồn iốt có thể giúp khử trùng và trung hòa độc tố pederin
- Có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân (theo chỉ định của bác sĩ da liễu).
- Không gãi, trà xát, đắp lá làm thương tổn lan rộng, bội nhiễm
Đặc biệt cần lưu ý, khi nhìn sơ qua thì hình dạng vết thương do kiến ba khoang gây ra rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo). Vì vậy, khi thấy cơ thể xuất hiện các vết phòng rộp trên da cần nhanh chóng đên các cơ sở y tế để nhân viên y tế chuẩn đoán và có giải pháp xử lý thích hợp.
Các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang
Nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, cần chú ý những điều sau:
- Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).
- Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.
- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
- Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.
- Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.
- Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.
- Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.
An AnBạn đang xem bài viết Khi bị kiến ba khoang đốt, cần làm gì để tránh biến chứng nặng? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].