3 hoạt động kinh tế quan trọng để gia đình tồn tại và phát triển

Chức năng kinh tế là một trong những chức năng cơ bản của gia đình, nó tạo ra cơ sở vật chất để gia đình tồn tại và phát triển. Trong đó bao gồm các hoạt động kiếm sống, tạo thu nhập; tiêu dùng; cung cấp lực lượng lao động và của cải cho xã hội.

Trong nhiều xã hội, gia đình được coi là một đơn vị kinh tế đầu tiên, quan trọng nhất. Gia đình bao gồm những người lao động kiếm tiền bằng các nghề nghiệp khác nhau, thường là vợ và chồng hoặc những người chủ chốt  khác. Số tiền họ kiếm được không chỉ chi tiêu, nuôi sống cho bản thân mình mà họ còn phải cung cấp nuôi dưỡng người khác.

Gia đình còn có những người sống phụ thuộc như trẻ em, người già, người ốm lâu ngày và người khuyết tật. Những người này không thể tự nuôi sống bản thân và việc dựa vào nguồn cung cấp của người khác sẽ kéo dài. Đối với trẻ em thì quá trình nuôi dưỡng sẽ kéo dài tới tuổi trưởng thành còn người khuyết tật và người già, sự nuôi dưỡng này sẽ kéo dài tới hết đời họ. Đây là một việc rất nặng nhọc đòi hỏi khả năng và sự kiên nhẫn cao độ. Một số thành viên gia đình con phải chăm sóc những người bà con, họ hàng phụ thuộc của họ qua việc chia sẻ trong một đơn vị kinh tế chung.

Trong các xã hội nguyên thuỷ, những người lớn khoẻ mạnh sẽ săn bắn, hái lượm thức ăn và nuôi dưỡng những người còn lại trong bộ lạc. Trong các xã hội hiện đại, một số thành viên gia đình kiếm tiền để hỗ trợ người khác. Đây là một điểm đặc biệt nhất của gia đình mà không thiết chế xã hội nào có được. Nó thắt chặt mối quan hệ gia đình trong tình cảm gắn bó thiêng liêng và trách nhiệm nặng nề.

Hơn nữa, trong phần lớn các xã hội, các quyết định về phân phối của cải giữa các thành viên trong gia đình thường được đưa ra bàn luận trong phạm vi gia đình. Rõ ràng, vai trò của gia đình như một nguồn hỗ trợ kinh tế có thể biến đổi theo thời gian và xã hội. Trong xã hội hiện đại, các chế độ nghỉ hưu, bảo hiểm, các chương trình phúc lợi xã hội, trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, học bổng và đủ loại các cơ quan dịch vụ và từ thiện đã gánh vác trách nhiệm trợ giúp nhiều người phụ thuộc, chia sẻ với gia đình.

Cha mẹ nên dạy con cách quản lý tài chính để lớn lên không lúng túng với đồng tiền. Ảnh minh họa

Cha mẹ nên dạy con cách quản lý tài chính để lớn lên không lúng túng với đồng tiền. Ảnh minh họa

Về cơ bản, gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập. Nó bao gồm ba hoạt động: kiếm sống, thu nhập và tiêu dùng. Nó cũng là nguồn cung cấp lực lượng lao động có chất lượng và của cải cho xã hội. Gia đình cũng tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế của xã hội từ sản xuất, phân phối đến trao đổi, tiêu dùng.

Đã từ lâu, gia đình trở thành một đơn vị sản xuất khép kín và điều này khiến cho chức năng kinh tế của gia đình khá hoàn hảo. Ngày nay, tại nhiều nước công nghiệp mới ở Châu A, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam…nhiều công ty và tập đoàn kinh tế lớn vẫn sử dụng những hình thức quản lý truyền thống theo kiểu gia đình để điều hành các hoạt động của mình nhưng kinh tế gia đình theo kiểu của xã hội nông nghiệp thì đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, có thể nói, những hoạt động kinh tế trong gia đình từ thuở sơ khai của nó cũng vẫn là mầm mống đầu tiên và đơn giản nhất cho sự hình thành những cơ sở ban đầu của một môn kinh tế học sau này ( Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý, 2007 ).

1. Chức năng kiếm sống, tạo thu nhập

Đây là chức năng không thể thiếu được của gia đình. Việc kiếm sống, tạo thu nhập thường là trách nhiệm của hai thành viên sáng lập gia đình là chồng và vợ (bố, mẹ ). Trong nhiều gia đình, con cái cũng đóng góp vào việc kiếm sống. Cha, mẹ kiếm sống bằng các cách khác nhau (nghề nghiệp khác nhau) hoặc giống nhau ( cùng nghề nghiệp). Tuy nhiên, trong một số gia đình có sự phân công lao động theo giới khá rõ ràng: người chồng kiếm tiền còn người vợ ở nhà nội trợ và nuôi dưỡng con cái hoặc ngược lại chồng ở nhà chăm sóc con cái và làm việc nhà còn vợ kiếm tiền (Số gia đình này ít hơn ). Tình hình phổ biến hiện nay là vợ chồng cùng đi làm kiếm tiền và vợ gánh vác việc nhà như là một “Thiên chức”. Tuy nhiên, việc nhà thực chất là “Xã hội chức” và lý thuyết bình đẳng giới đã chí rõ điều này. Nhận thức thay đổi nên hiện tượng hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà đang ngày càng tăng lên. Cách phân công lao động theo kiểu chỉ chồng kiếm tiền (hoặc chỉ vợ kiếm tiền) đã làm nhiều người chồng cho rằng vợ (hoặc chồng mình) “ăn bám”. Đây là quan điểm rất sai lầm.

Ngày nay, theo quan điểm của chúng tôi thì: chức năng kinh tế của gia đình không chỉ là việc thu tiền mặt hoặc hiện vật từ bên ngoài về gia đình mà còn là việc tổ chức cuộc sống, ăn, mặc, ở, nghỉ ngơi, giải trí của các thành viên gia đình để ngày hôm sau họ có thể tái sản xúât sức lao động, làm việc, học tập tốt hơn. Điều này sẽ mang lại các lợi ích về kinh tế to lớn mặc dù hiện nay nó vẫn là những việc không được tính công bằng tiền.

Tuy nhiên tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ước lượng lao động nội trợ và sinh đẻ của phụ nữ  bị bỏ quên hàng năm không được tính công là 11 tỷ đô la (UNDP, Báo cáo phát triển, 1995). Như vậy người vợ (hoặc chồng) có thể không kiếm được các đồng tiền cụ thể cho gia đình nhưng công việc của họ đã liên quan trực tiếp đến các chức năng tái sản xuất ra con người và tài sản của gia đình.

Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, các công việc không công trong gia đình đã được xác định bằng gía trị tiền bạc, thậm chí rất đắt. Thí dụ, với các bữa ăn ngoài gia đình, thực khách đã phải trả tiền công cho người bán hàng một nửa giá trị (thậm chí hơn một nửa) của món ăn hoặc khi gia đình thuê người giúp việc để nấu ăn, chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa thì họ phải trả công rất cao. Cũng như vậy, việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái là vô giá, nếu người phụ nữ không đẻ con, gia đình phải thuê người phụ nữ khác làm việc này với giá rất cao và rất phức tạp.

Thu nhập của gia đình quyết định chất lượng sống của gia đình. Gia đình nào có nhiều người kiếm sống, với công việc đòi hỏi trình độ cao, thu nhập ổn định thì gia đình ấy có thể cung cấp đầy đủ thức ăn, quần áo, các vật dụng khác, chi phí giáo dục, giải trí... cho các thành viên và ngược lại gia đình nào có nhiều người “ăn theo”, thu nhập thấp hoặc bấp bênh thì gia đình đó thiếu thốn, khó khăn, chất lượng sống không đảm bảo.

Gia đình cần có kế hoạch cụ thể cho các khoản chi tiêu để không ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình. Ảnh minh họa

Gia đình cần có kế hoạch cụ thể cho các khoản chi tiêu để không ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình. Ảnh minh họa

2. Chức năng tiêu dùng

Liên quan đến kiếm sống và thu nhập, chức năng tiêu dùng phản ánh mức độ thu nhập và chất lượng sống của gia đình. Các thu nhập của gia đình được tập trung vào nguồn ngân quỹ gia đình và ở Việt Nam trước đây thường là do người vợ nắm giữ. Họ quản lý và điều phối chi tiêu sao cho không bị thâm hụt và có tích luỹ. Giống như Nhà nước, gia đình cũng có kế hoạch cụ thể cho các khoản chi như chi cho ăn, mặc, ở, giáo dục, giao tiếp, vui chơi, giải trí, du lịch. Tuy nhên cũng có gia đình chi tiêu theo nhu cầu cụ thể mà không cần có kế hoạch trước.

Mức độ chi tiêu của các gia đình là không giống nhau, nó phụ thuộc vào thu nhập và quan niệm của những người chủ gia đình. Chẳng han, có gia đình đặt nặng vấn đề ăn uống nhưng cũng có gia đình coi trọng việc giáo dục cho con cái, có gia đình dành dụm tiền để chi tiêu cho du lịch nhưng cũng có gia đình chỉ thích mua sắm. Trong các gia đình, việc tiêu dùng không đồng đều giữa các nhóm thành viên. Chẳng hạn, chi phí cho con cái thường nhiều hơn cho bố mẹ trong khi con cái không kiếm được thu nhập, chi phí cho trẻ con tốn kém hơn chi phí cho nguời già. Phụ nữ thường nhường nhịn hy sinh nên họ không dám chi tiêu cho riêng mình trong trường hợp ngân quỹ gia đình không dồi dào.

Ngày nay, nhiều gia đình đã giàu có hơn khiến cho việc tiêu dùng của họ cũng thoáng hơn. Tuy nhiên, cũng có gia đình không giàu nhưng chi tiêu cũng thông thoáng tuỳ theo số tiền kiếm được, đặc biệt là ở một số tỉnh miền Nam phổ biến lối sống kiếm được tiền ngày nào thì tiêu ngày ấy và không quan tâm đến vấn đề tích lũy. Điều này đã ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển của gia đình.

3. Chức năng cung cấp lực lượng lao động và của cải cho xã hội

Mọi gia đình đều có trách nhiệm cung cấp lực lượng lao động cho đất nước từ các thành viên của mình. Từ việc đi nghĩa vụ quân sự bảo vệ tổ quốc cho đến việc tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội, chính các thành viên gia đình đã và đang đóng góp vào việc phát triển xã hội, giúp cho xã hội tồn tại và tái sinh. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực ( Cả về thể chất lẫn trình độ ) không chỉ dựa vào sự đào tạo của Nhà nước, trường học và các tổ chức xã hội mà còn dựa vào quá trình nuôi dưỡng, giáo dục, quá trình xã hội hóa từ gia đình. Chính các thành viên gia đình đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đạo đức, tính cách của hai thành viên chính trong gia đình là cha và mẹ và có thể là ông, bà. Sau đó là khả năng tiếp thu tinh hoa từ xã hội. Đến lươt mình, chất lượng, nhân cách, kỹ năng sống của họ sẽ có tác dụng đóng góp hoặc phá hoại chất lượng và kết quả công việc của xã hội.

Bên cạnh đó, việc đóng góp vật chất của gia đình vào xã hội có ý nghĩa quan trọng, là nhằm ổn định và phát triển xã hội. Khi đất nước lâm nguy, nhiều gia đình đã hiến dâng cả tài sản của mình để bảo vệ tổ quốc. Phong trào “ Vườn không, nhà trống “của nhân dân thủ đô Thăng Long xưa chống quân Nguyên Mông“; Phong trào “ Tuần lễ vàng “ thời kháng chiến chống Pháp là những phong trào đặc biệt thể hiện tấm lòng yêu nước của người dân. Người Việt Nam có câu :” Dân giàu, nước mạnh” nghĩa là nếu mọi gia đình đều giàu có thì khi đất nước cần các gia đình có thể đóng góp được nhiều nhất cho các công việc chung và việc các gia đình phải đóng thuế kinh doanh, thuế thu nhập, thuế nhà đất và các loại thuế khác hàng năm là để vận hành bộ máy Nhà nước và các hoạt động khác cho xã hội.        

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt vì vậy nó có quyền lợi và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội. Chẳng hạn, gia đình đóng góp vào sự phát triển GDP của đất nước và nếu thu nhập bình quân theo đầu người của gia đình cao (GNP) thì đem lại nguồn thu nhập chung của đất nước cao. Nhà nước có thể có ngân sách để thực hành các chính sách xã hội để san lấp dần khoảng cách xã hội giữa người giàu và người nghèo, nâng đỡ nhóm yếu thế. Rõ ràng là chức năng kinh tế của gia đình không phải chỉ của riêng gia đình mà nó còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Gia đình tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế của xã hội từ sản xuất, phân phối đến trao đổi, tiêu dùng.

Trích sách Gia đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị Quý/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính