3 dấu hiệu điển hình của sỏi đường mật trong gan, nhiều người gặp phải mà không biết

Sỏi đường mật trong gan thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Vậy làm cách nào để phát hiện sớm sỏi trong gan?

Cơn đau quặn gan là một trong 3 dấu hiệu điển hình của bệnh sỏi đường mật trong gan. Ảnh minh họa

Cơn đau quặn gan là một trong 3 dấu hiệu điển hình của bệnh sỏi đường mật trong gan. Ảnh minh họa

Phát hiện chi chít sỏi trong gan

Mới đây, các bác sĩ của khoa Ngoại ổng hợp, BV thành phố Thủ Đức có tiếp nhận một bệnh nhân vào viện với biểu hiện đau bụng vùng hạ sườn phải.

Sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm đường mật do sỏi đúc khuôn đường mật trong gan phải.

Ngay sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi lấy hết sỏi đường mật gan phải. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục sức khoẻ và ra viện ở ngày thứ 5 sau nằm viện.

Sỏi đường mật trong gan là gì?

Sỏi đường mật trong gan thường được gọi tắt là sỏi gan. Về bản chất nó là sỏi mật, nhưng vị trí của nó nằm trong các ống gan (ống gan phải hoặc ống gan trái). Sỏi đường mật trong gan thường gặp nhiều ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Gan có nhiệm vụ sản xuất mật để tiêu hóa chất béo, đồng thời giúp khử độc và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Mật từ tế bào gan sẽ tiết ra theo các ống gan chảy ra các ống mật lớn và ống mật nhỏ, rồi theo ống mật chính đổ vào túi mật và xuống ruột.

Sỏi đường mật trong gan thường được phát hiện khi sỏi làm xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như: viêm đường mật, áp xe gan, xơ gan, ung thư đường mật trong gan…

Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan

Sỏi đường mật trong gan thường là sỏi sắc tố, với thành phần chính là bilirubin (sắc tố mật có màu vàng). Nguyên nhân làm phát sinh bệnh chủ yếu là do:

- Ký sinh trùng đường ruột chui lên đường mật, mang theo vi khuẩn làm thay đổi khả năng hòa tan của bilirubin, kết hợp trứng và xác giun tạo thành nhân sỏi.

- Sự rối loạn chức năng gan như xơ gan, viêm gan do thuốc, viêm gan siêu virus, viêm gan B,… gây mất cân bằng các thành phần trong dịch mật

 - Giảm vận động đường mật thường gặp ở người béo phì, lười vận động… cũng là nguyên nhân gây ra sỏi đường mật trong gan.

3 dấu hiệu điển hình của sỏi đường mật trong gan

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể nhận biết được một số biểu hiện như đầy chướng, chậm tiêu sau ăn.

Khi sỏi gây biến chứng, người bệnh có thể gặp phải một trong ba dấu hiệu điển hình của sỏi đường mật trong gan gồm:

- Cơn đau quặn gan: Thường xuất hiện sau bữa ăn no, đau dữ dội và đột ngột, có thể lan ra vai phải, làm người bệnh khó khăn khi di chuyển, kéo dài từ 15 phút đến vài giờ và có tính chất chu kỳ.

- Sốt cao: Người bệnh thấy sốt cao, có thể rét run kèm theo vã mồ hôi.

- Vàng da: Khi dịch mật bị ứ trệ tại gan, bilirubin (sắc tố mật có màu vàng) thấm vào máu làm da và củng mạc mắt có màu vàng.

Sỏi đường mật trong gan thường dễ gây biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư đường mật trong gan... Ảnh minh họa

Sỏi đường mật trong gan thường dễ gây biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư đường mật trong gan... Ảnh minh họa

Biến chứng nguy hiểm của sỏi đường mật trong gan

Bệnh sỏi đường mật trong gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật. Một số biến chứng nguy hiểm người bệnh có thể gặp phải gồm:

- Nhiễm trùng đường mật: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi đường mật trong gan. Những cơn sốt cao kèm theo hiện tượng rét run, nhiễm trùng và tắc mật nặng, rối loạn huyết động thường đẩy người bệnh vào tình trạng choáng và mệt.

- Viêm gan: Dịch mật bị ứ trệ lâu ngày là điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm gan, chúng cũng có thể tạo thành các ổ mủ, hình thành nên ổ áp xe gan.

- Xơ gan: Đây là biến chứng sau khi gan bị viêm nhiễm, làm tổn thương nhu mô gan không hồi phục. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xơ gan.

- Ung thư đường mật trong gan: Có khoảng 3 – 10% các trường hợp mắc sỏi gan bị ung thư đường mật trong gan. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến vài năm sau khi phát hiện bệnh.

- Nhiễm trùng huyết: Là biến chứng cấp cứu, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

Các biến chứng do sỏi đường mật trong gan đều rất nguy hiểm và tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị tích cực sỏi đường mật trong gan sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, phòng ngừa ảnh hưởng do sỏi gây ra.

Chữa sỏi đường mật trong gan thế nào?

- Điều trị sỏi trong gan rất khó, vì sỏi thường nằm sâu và rải rác trong gan. Chưa kể đến việc sỏi làm ứ trệ dịch mật, có thể làm chít hẹp đường mật từng đoạn, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ thuật can thiệp.

- Thuốc làm tan sỏi: Hầu hết không có tác dụng với sỏi gan (sỏi sắc tố, thành phần chính bilirubin), bởi vì thuốc chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol.

- Nội soi mật tụy ngược dòng: phương pháp này chỉ thích hợp cho người bệnh sỏi ngoài gan, với sỏi trong gan phương pháp này phải sử dụng thiết bị đắt tiền, tại Việt Nam rất ít cơ sở áp dụng phương pháp này.

- Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi hoặc cắt gan: Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ lớn, sau mổ đau nhiều, hồi phục sau mổ chậm đặc biệt với người cao tuổi.

- Phương pháp tốt nhất được lựa chọn hiện nay là phẫu thuật nội soi lấy sỏi hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi xuyên gan qua da, là phương pháp can thiệp tối thiểu, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít đau…

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính