Trong gia đình, người gần gũi với trẻ nhiều nhất chính là ông bà, cha mẹ. Với những trẻ được ông bà chăm cho cha mẹ đi làm thì trẻ còn có xu hướng gắn bó với ông bà hơn.
Tuy nhiên, điểm dễ nhận thấy nhất ở cha mẹ và ông bà chính là quan niệm nuôi trẻ. Thời của ông bà, ở thế hệ trước đôi khi vẫn có những tư tưởng lạc hậu, không còn phù hợp trong xã hội ngày nay.
Đặc biệt, ông bà vì thương yêu cháu nên hay chiều chuộng quá mức, bênh chằm chặp, chính vì sự bao bọc quá mức này có thể làm hư trẻ. Chưa kể, nhiều lúc ông bà sẽ có những câu nói tưởng vô hại nhưng làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ.
Vì thế, nếu cha mẹ nghe thấy ông bà nói những câu này với trẻ, nên tìm cách góp ý với ông bà càng sớm càng tốt.
1. Con yêu bố hay mẹ hơn? Con thích ở cùng ai hơn?
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng được hỏi câu hỏi này khi còn nhỏ, thậm chí chúng ta cũng có thể đang hỏi trẻ mỗi ngày.
Câu hỏi tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này lại có tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường không biết đây là một trò đùa, chúng sẽ phải suy nghĩ xem ai yêu chúng hơn và chúng yêu ai nhất. Trong khi thự tế, bố mẹ là người yêu con cái vô cùng.
Tất cả mọi người đều biết rằng con cái sẽ hạnh phúc nhất, đầy đủ nhất khi ở với cả bố và mẹ. Vậy tại sao bà lại ép trẻ phải lựa chọn giữa bố và mẹ? Và khi nói đến chuyện bố mẹ ly hôn, trẻ sẽ bị ám ảnh tâm lý, sợ hãi và chán nản. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
2. Nó vẫn còn bé mà, có biết gì đâu!
Khi trẻ mắc lỗi sai, bố mẹ sẽ thường đánh đòn hoặc có hình phạt cho trẻ. Tuy nhiên, người ông bà lại quá xót cháu, thường bênh vực rằng cháu còn bé, cháu chưa biết gì, nên nương tay cho trẻ.
Những lời bênh vực thường làm hư trẻ, khiến trẻ không biết lỗi lầm của bản thân và tiếp tục tái phạm những lỗi lầm đó. Chúng sẽ biết mình có ông bà bảo vệ, không sợ cha mẹ nữa, dần dần sẽ coi thường lời cha mẹ.
3. Con không phải làm, cứ để bà làm cho!
Nhiều người già rất thương cháu, xót cháu. Họ muốn tự tay làm mọi việc cho cháu vì không muốn cháu động chân, động tay vào làm việc gì. Thực tế, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và kỹ năng của trẻ nhỏ.
Trẻ được bao bọc quá kỹ, được ông bà phục vụ từng miếng ăn, giấc ngủ sẽ trở nên ỷ lại, không biết tự lo cho bản thân mình. Nếu bạn thấy ông bà nói những câu này với cháu nhỏ, bạn cần thẳng thắn sửa đổi để không làm ảnh hưởng xấu đến tính cách của trẻ.
Dù một số lời nhận xét của ông bà là vô tình, vô thưởng vô phạt nhưng vô hình chung lại tác động rất lớn đến trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần thẳng thắn góp ý để ông bà sửa đổi.
Bạn nên nhớ rằng việc nuôi dạy con là quyền và trách nhiệm của bố mẹ. Ông bà có thể giúp bố mẹ nuôi dạy con nhưng bố mẹ không nên để ông bà nắm toàn quyền nuôi dạy trẻ.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 3 câu nói 'huyền thoại' của ông bà làm hư cháu nhỏ, bố mẹ cần thẳng thắn góp ý ngay tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].