Khuyến khích và hỗ trợ con trải qua thất bại có thể giúp trẻ kiên cường hơn, giỏi thích nghi và trưởng thành hơn – nhiều chuyên gia giáo dục đã khẳng định điều này.
Khi trẻ thất bại, trẻ trải qua những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, buồn rầu... nhưng nếu trẻ luôn được bảo vệ khỏi những cảm xúc này, chúng có thể hoàn toàn đổ vỡ khi thực sự thất bại ở tuổi mà cha mẹ không thể ở bên để hỗ trợ.
Vì vậy, cách tốt nhất để cha mẹ dạy con không phải là tránh mọi thất bại, mà là làm thế nào để đối phó với những thất bại nhỏ đầu đời.
Giúp con hiểu: “Khi tôi làm X, Y xảy ra”
Con có thể chạy nhanh theo một quả bóng ở sân chơi và vấp ngã, có thể rất thích chơi bóng đá, nhưng lười dậy sớm tập luyện... Hãy đừng ngăn cản con hoặc ra sức “chạy theo” để hỗ trợ, trong khi biết chắc con không nghe mình.
Một trong những “quà tặng” lớn nhất mà những lần vấp ngã mang lại là chúng ta học được: quyết định của mình sẽ đem lại kết quả gì. Sẽ có một khái niệm rất đơn giản mà bạn cần giúp con hiểu càng sớm càng tốt: "Khi tôi làm X, Y xảy ra".
Nếu tôi không học, tôi sẽ thất bại; nếu tôi không tập luyện, tôi có thể mất chỗ trong đội... đó là những bài học nhân quả đầu tiên mà con cần tự trả giá.
Nếu bạn để trẻ trải qua thất bại, chúng sẽ trở nên ít bị tổn thương hơn với trải nghiệm đó trong tương lai. .
Khi cha mẹ và giáo viên làm hỏng quá trình này bằng cách bảo vệ trẻ em khỏi thất bại, những “lợi ích” tự nhiên sẽ không đến. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em được bảo vệ khỏi thất bại càng trầm cảm hơn và ít hài lòng hơn với cuộc sống ở tuổi trưởng thành.
Đừng dán nhãn: “Thất bại” = “Thiếu năng lực”
Nếu thất bại được cha mẹ, giáo viên đánh giá như là dấu hiệu của sự thiếu năng lực và cái gì đó nên tránh (chứ không phải là một điều bình thường), trẻ em sẽ bắt đầu tránh những thách thức cần thiết cho việc học hỏi.
Có thể hình dung như việc con tập bơi, nếu cha mẹ kêu ca “Con nhát nước quá” “Con vụng về thế thì bao giờ mới biết bơi”, trẻ sẽ hình dung việc tập bơi như một mối đe dọa, chứ không phải là thú vui.
Một số trẻ lớn lên với suy nghĩ có phần cứng nhắc rằng chúng được sinh ra với một mức độ thông minh nhất định. Vì vậy, khi gặp thất bại thì các em nghĩ rằng do mình “không đủ thông minh”.
Ngược lại, có những trẻ tin rằng trí thông minh, năng lực là có thể điều chỉnh được, vì thế gặp thất bại hay khó khăn gì các em đều coi đó là “cơ hội” để nỗ lực vươn lên.
Thất bại chỉ lát đường đến thành công nếu trẻ xem nó như là một cơ hội chứ không phải là một mối đe dọa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ của trẻ.
Chú tâm khen ngợi nỗ lực, thay vì kết quả
Trẻ em cần được tự do học hỏi mà không lo lắng xem “mình sẽ bị đánh giá thế nào”.
Vì vậy, nếu như con thất bại trong một cuộc thi, mặc dù trước đó đã rất cố gắng, đừng quên khen ngợi con. Tuy nhiên, khen như thế nào hợp lý là điều không phải cha mẹ nào cũng biết.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những lời khen hướng vào kết quả của việc làm hay tập trung vào con người như “Con đánh đàn hay tuyệt”, “Con thật thông minh”... thường phản tác dụng. Những lời khen này khiến trẻ sợ thất bại và những nhiệm vụ mang tính thử thách, chúng luôn luôn muốn giữ hình ảnh “đứa trẻ hoàn hảo” như lúc được khen.
Ngược lại, những lời khen như “Mẹ thấy con đã thực sự nỗ lực” tập trung nhiều hơn vào quá trình, sự cố gắng. Trẻ em, cũng như bản thân cha mẹ chúng, chỉ có thể kiểm soát được về việc mình làm việc chăm chỉ ra sao, chứ chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát được chúng ta thông minh hay xuất sắc chừng nào.
Cha mẹ nên bảo vệ con khỏi nguy hiểm, nhưng che chở giúp con không bao giờ thất bại lại là cách làm sai lầm.
Hãy để con tự trải nghiệm, từ đó đón nhận “món quà” mà thất bại mang lại. Trải qua thất bại là cách duy nhất giúp con người kiên cường và tiến tới thành công trong tương lai.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 3 cách dạy trẻ học hỏi từ thất bại cha mẹ nào cũng nên biết tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].