Ý nghĩa của việc cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cứ tới ngày 23 tháng Chạp hàng năm là người dân Việt Nam lại tất bật chuẩn bị cho lễ cúng Táo Quân, đưa tiễn các Táo về trời. Việc làm này nhằm mục đích để các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm tốt, xấu, những việc đã làm và chưa làm được dưới nhân gian một cách trung thực, công bằng nhất.
Ông Công ông Táo trong tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, được Việt hóa theo tích ''hai ông một bà'' - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tới nay nhiều người vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Chúng ta vẫn quan niệm rằng, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp. Vào ngày này, người dân sẽ làm lễ cúng ông Công ông Táo rất trang trọng, đủ đầy.
Đêm 30 tháng Chạp, các Táo sẽ hoàn tất việc bẩm báo trên thiên đình và trở về cùng gia chủ để đón tiếp một năm mới, hoàn thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
Ý nghĩa của việc cúng ông Công ông Táo chính là thể hiện lòng thành kính của gia chủ đối với Táo Quân. Bởi các Táo không những ghi chép lại mọi việc diễn ra hằng ngày mà còn định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức từ những việc làm đúng theo đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
Ngoài ra, các Táo còn là người giữ cho đất nhà êm ấm, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho gia đình.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Tùy thuộc vào đặc điểm địa lý, vùng miền mà mâm lễ cúng ông Công ông Táo có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, về cơ bản, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường có những món ăn truyền thống như: Xôi, giò, bánh chưng, nem rán, canh khoai, canh mọc...
Ngoài ra, mâm lễ vật cúng Táo Quân thường không thể thiếu:
+ 3 chiếc mũ ông Táo: gồm 2 mũ có cánh chuồn dành cho Táo ông và 1 mũi không có cánh chuồn cho Táo bà
+ 3 bộ quần áo giấy: 2 bộ nam và 1 bộ nữ
+ Hài (giày) cho Táo: 2 đôi hài nam và 1 đôi hài nữ
+ Tiền vàng mã
+ 1 đĩa trầu cau nhỏ
+ 1 lọ hoa cúc
+ 1 đĩa trái cây tươi
+ Rượu hoặc trà
+ Hương
+ Nến.
Ở miền Bắc, đi cùng mâm lễ cúng Táo Quân thường có thêm 3 con cá chép đỏ để trong chậu, sau khi cúng xong sẽ mang phóng sinh; Ở miền Trung có ngựa giấy với đầy đủ yên cương; còn miền Nam sẽ có một bộ ''cò bay ngựa chạy''.
Văn khấn cúng ông Công ông Táo
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Ý nghĩa của việc cúng ông Công, ông Táo tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].