Xơ gan nên ăn gì, kiêng gì? Bác sĩ BV Bạch Mai hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh xơ gan

Xơ gan là hậu quả cuối cùng của quá trình tăng sinh xơ xuất hiện sau các tổn thương gan mạn tính. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh xơ gan: phòng ngừa suy dinh dưỡng, giảm biến chứng, cải thiện chức năng gan và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dưới đây là những hướng dẫn về dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan của bác sĩ Cấn Thị Thu Hằng - Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV Bạch Mai.

xo gan

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan

a. Năng lượng: 30 - 35 calo/kg cân nặng lý tưởng/ngày.

- Cung cấp đủ năng lượng để làm giảm quá trình dị hóa và phân giải protein nội sinh.

- Điều chỉnh riêng tùy mức độ suy dinh dưỡng, hoặc thừa cân béo phì.

b. Chất đạm (protein): 1,2 - 1,5g/kg cân nặng/ngày.

-  Bệnh nhân xơ gan còn bù không bị suy dinh dưỡng, lượng protein tiêu thụ khuyến cáo là 1,2g/kg cân nặng/ngày.

- Bệnh nhân xơ gan có tình trạng suy dinh dưỡng hoặc teo cơ nên đảm bảo protein 1,5g/kg cân nặng/ngày.

- Ưu tiên acid amin phân nhánh BCAA (0,25g/kg/ngày) do ít sinh amoniac khi tiêu hóa.

c. Chất béo (lipid): 18-25% tổng năng lượng.

Ưu tiên chọn các loại chất béo tốt: chất béo không no có một nối đôi hay nhiều nối đôi. Nên sử dụng acid béo Omega-3 từ cá và các loại hạt.

ca thu

d. Chất bột đường (glucid):

Cần cung cấp đủ glucid, để đảm bảo dự trữ glycogen ở gan.

e. Vitamin và chất khoáng:

  • Cung cấp đầy đủ các vitamin đặc biệt A, D, E, K là các vitamin tan trong chất béo có xu hướng giảm trong bệnh xơ gan
  • Muối <5g/ngày.
  • Cần cung cấp chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp giảm nguy cơ rối loạn đường huyết, hạn chế hấp thụ amoniac và phòng ngừa táo bón.
  • Lượng nước trong ngày = lượng nước tiểu  24h ngày hôm trước + dịch mất bất thường (sốt, nôn, tiêu chảy...) + 300 – 500ml nước (tùy theo mùa).

g. Bữa ăn và cách chế biến:

  • Chia nhỏ 4-6 bữa/ngày: để phòng hạ đường huyết đặc biệt ở các thời điểm xa bữa ăn chính vì người bệnh xơ gan có giảm dự trữ glycogen.
  • Nên có 1 bữa ăn nhẹ lúc tối muộn hỗ trợ giảm sự tiêu thụ protein cơ (khoảng 200 kcal/bữa phụ) không nên ăn quá nhiều vào 1 bữa phụ tránh nguy cơ rối loạn dung nạp glucose và béo phì.
  • Không nên bỏ bữa, tránh nhịn ăn kéo dài.
  • Hạn chế chất béo quá nhiều trong một bữa ăn.
  • Thức ăn nên nấu mềm, nhừ, dễ tiêu hóa.

2. Những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị xơ gan

a. Thực phẩm nên ăn

khoai lang 2

- Thực phẩm giàu acid amin phân nhánh: đậu nành, giá đỗ, rau đay, hạt bí đỏ, sữa bột tách béo, bột đậu tương, cá thu, cá nục, cá hồi, cá mòi, thịt gà…

- Nên ăn đa dạng thực phẩm, để cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng:

+ Nhóm chất bột đường: Gạo tẻ, gạo nếp, khoai tây, khoai lang, bánh ngọt, đường mật...

+ Nhóm chất đạm: Thịt bò, sữa, phomat, thịt lợn nạc, cá, sữa đậu nành.

+ Nhóm rau quả tươi, non, mềm: ít xơ sợi cứng.

+ Nhóm chất béo: Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu hướng dương).

- Dùng các thực phẩm giúp nhuận tràng: khoai lang, đu đủ…

- Đảm bảo đủ nước để phòng tránh táo bón.

b. Thực phẩm không nên ăn, hạn chế ăn

oi xanh

- Thực phẩm xào, rán nhiều chất béo.

- Thức ăn chế biến sẵn, nhiều phẩm màu, nhiều chất bảo quản.

- Phủ tạng động vât.

- Quả gây táo bón: ổi xanh, hồng xiêm…

- Thực phẩm lạ dễ gây dị ứng: hải sản, nhộng tằm…

- Các chất kích thích: gia vị, rượu, chè, bia, cà phê.

Hoàng Nguyên (t/h)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính