Những nghiên cứu trước đó đã cho thấy mối tương quan rằng các cặp vợ chồng hợp nhất tài chính có xu hướng hạnh phúc hơn những cặp vợ chồng không hợp nhất tài chính.
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối quan hệ nhân quả rằng các cặp vợ chồng có tài khoản ngân hàng chung không chỉ có mối quan hệ tốt hơn, mà còn ít tranh cãi về tiền bạc hơn và yên tâm hơn về cách quản lý tài chính gia đình.
Phó giáo sư Jenny Olson tại Trường Kinh doanh Kelley cho biết: "Khi chúng tôi khảo sát những người đã kết hôn với thời gian dài ngắn khác nhau, kết quả cho thấy những người đã hợp nhất tài chính có mức độ hòa hợp trong hôn nhân cao hơn những người 'tiền ai nấy giữ' hoặc chỉ hợp nhất một phần tài chính".
“Đây là bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có cho đến nay về câu hỏi định hình tương lai của các cặp vợ chồng. Chúng tôi đã quan sát những thay đổi trong 2 năm và đó là một minh chứng khá thuyết phục về lợi ích của việc hợp nhất tài chính. Nhìn chung, việc hợp nhất tài chính là một vấn đề đáng được các cặp vợ chồng xem xét và thảo luận, dựa trên những tác động mà chúng tôi đã thấy ở đây".
Olson và các đồng tác giả đã chọn 230 cặp vợ chồng đã đính hôn hoặc mới kết hôn vào thời điểm đó và theo dõi họ trong hơn 2 năm bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Đầu nghiên cứu, các cặp đôi dùng tài khoản ngân hàng riêng biệt và chấp thuận việc có thể thay đổi thỏa thuận tài chính. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của tất cả những người tham gia nghiên cứu.
Sau đó, một số cặp vợ chồng được chỉ định ngẫu nhiên tiếp tục "tiền ai nấy giữ". Một số cặp vợ chồng khác được yêu cầu mở tài khoản chung. Nhóm thứ 3 được phép tự mình quyết định.
Những cặp đôi được yêu cầu mở tài khoản ngân hàng chung cho thấy chất lượng mối quan hệ cao hơn đáng kể sau 2 năm kết hôn, so với những người duy trì tài khoản riêng. Đồng thời, việc hợp nhất tài chính cũng giúp tăng sự thống nhất và minh bạch về mục tiêu tài chính cũng như sự hiểu biết chung về hôn nhân.
Trong khi đó, Olson cho biết các cặp vợ chồng "tiền ai nấy giữ" coi việc đưa ra quyết định tài chính như là một cuộc trao đổi lẫn nhau, có qua có lại. Ví dụ, người này trả hóa đơn điện nước, người kia trả hóa đơn Internet,... Họ không giải quyết mọi việc cùng nhau như những cặp đôi hợp nhất tài khoản mà giống như những mối quan hệ kinh doanh.
Olson cho biết, những cặp vợ chồng "tiền ai nấy giữ" có thể cảm thấy việc rời bỏ mối quan hệ dễ dàng hơn. 20% các cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu đã chia tay, trong đó tỷ lệ lớn nằm ở những cặp đôi không hợp nhất tài chính.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng (Journal of Consumer Research) vào tháng 5/2023.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Nghiên cứu: Vợ chồng hợp nhất tài chính có thể ở bên nhau lâu hơn và hạnh phúc hơn tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].