Gánh món nợ lớn vì không kiểm soát được chi tiêu
Trước khi lập gia đình, Nguyễn Hà Linh (24 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) làm nhân viên văn phòng tại một công ty viễn thông, kiêm bán mỹ phẩm online trên mạng xã hội.
Cuộc sống của một cô nàng độc thân, không cần phải phụ giúp tiền bố mẹ hàng tháng khiến Linh khá thoải mái trong việc chi tiêu, thích gì mua nấy, đi ăn, đi chơi khắp nơi cùng bạn bè.
Vì chi tiêu tùy hứng, thích gì mua đó nên lương hàng tháng cộng với tiền bán mỹ phẩm luôn được Linh tiêu nhanh như một cơn gió, tháng nào hết tháng đó, thậm chí còn âm.
Những tưởng đó là lối sống tùy hứng thời “trẻ trâu”, khi có gia đình Hà Linh sẽ thay đổi. Nhưng sau khi có chồng, rồi có con, cách chi tiêu của bà mẹ trẻ này lại càng lộ ra những bất cập.
Để có thời gian chăm con, lại có thu nhập, Linh nghỉ hẳn công việc nhân viên văn phòng, tập trung bán hàng online. Từ việc chỉ bán mỹ phẩm, Linh bán thêm túi xách, giầy dép hàng nhập Quảng Châu (Trung Quốc).
Muốn nhập được hàng giá rẻ thì phải ôm nhiều hàng nên Hà Linh dùng hết vốn liếng bố mẹ 2 bên cho để nhập hàng, đầu tư hệ thống tủ, đèn, điện thoại xịn để trưng bày sản phẩm và livestream bán hàng online.
Hơn nữa, vì bán các sản phẩm làm đẹp, thời trang nên Linh cũng phải đầu tư, chăm chút bản thân để khi lên hình livestream cho đẹp, tự tin và hút khách.
Lúc đầu, bà mẹ một con chỉ đầu tư mua quần áo đẹp, làm tóc, trang điểm, nhưng sau đó, để đẹp hơn, hợp phong thủy hơn, cô đầu tư đi xăm mày, xăm môi, nhấn mí, nâng mũi, làm da mặt…
Thấy vợ chăm chút cho bản thân đẹp hơn và nghĩ rằng tiền tân trang diện mạo của vợ là nhờ vào tiền lãi kinh doanh nên chồng Hà Linh không phản đối gì.
Thêm nữa, tiền chồng đưa lương hàng tháng Linh vẫn chi tiêu cho gia đình nhỏ, mua đồ cho con mà không phàn nàn, ca thán gì nên chồng Hà Linh nghĩ cô biết cân đối chi tiêu.
Chỉ đến khi bên cho vay nặng lãi đến nhà thông báo số tiền nợ của Hà Linh đã lên đến 400 triệu đồng (gồm cả tiền gốc và lãi mẹ đẻ lãi con) thì lúc đó cả gia đình đằng chồng mới ngã ngửa về tài “biết ăn biết tiêu” của cô con dâu.
“Hai vợ chồng tôi đã cãi nhau cả tháng trời vì khoản nợ mà tôi gây ra. Tôi đã giải thích nhiều lần là tiền tôi vay để đầu tư kinh doanh nhưng chồng tôi không tin vì anh cho rằng bán hàng online không tốn nhiều vốn đến vậy” – Linh kể.
Thậm chí, chồng Hà Linh còn đòi ly hôn nếu cô vợ không sửa cái thói tiêu xài hoang phí, bóc ngắn cắn dài của mình.
Hà Linh cho biết: “Chồng tôi chấp nhận hỏi vay người thân, họ hàng để trả món nợ của tôi nhằm tránh phải chịu lãi nặng hàng tháng rồi từ từ 2 vợ chồng làm ăn tích cóp dần trả nợ.
Nhưng điều kiện mà anh đưa ra là tôi phải dẹp buôn bán online để thu hồi vốn, đi làm tại công ty một người quen để anh còn biết thu nhập hàng tháng của tôi. Đồng thời phải thay đổi cách chi tiêu, hàng ngày phải ghi lại từng món đồ đã mua với số tiền đã tiêu để anh kiểm soát.
Vì níu kéo hạnh phúc gia đình nhỏ của mình, tôi đã làm theo yêu cầu của anh, nhưng có vẻ anh vẫn không tin tôi khi chất vấn giá chai dầu ăn, nước mắm tôi mua đắt hơn bình thường…”.
Cần chia sẻ việc chi tiêu để cả vợ và chồng đều biết
Chia sẻ về bí kíp quản lý chi tiêu trong gia đình để không mắc phải lỗ hổng lớn như gia đình nhân vật kể trên, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn – Công ty TNHH Tư vấn Tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhán & cộng đồng cho biết, mô hình góp tiền lương/thu nhập chung của 2 vợ chồng để cùng chi tiêu là cách mà nhiều gia đình ở Việt Nam đang áp dụng.
Khi người chồng đưa tiền cho vợ giữ và chi tiêu cho gia đình là thể hiện sự tín nhiệm của chồng đối với vợ. Nếu người vợ chi tiêu số tiền đó hợp lý, chính đáng và chủ động chia sẻ việc chi tiêu cho người chồng biết thì sẽ tạo được niềm tin với đối phương và lần sau khi đưa tiền người chồng sẽ không tiếc.
Nhưng ngược lại, người chồng sẽ không vui khi làm ra đưa tất cả tiền cho vợ giữ mà vợ lại chi tiêu, mua sắm đủ thứ không nói năng gì.
“Khi người ta đóng góp thì người ta cũng có quyền biết tiền của người ta được tiêu vào việc gì. Nếu mặc định tiền chồng/vợ đưa cho muốn tiêu gì thì tiêu mà người kia không được biết thì lần sau họ sẽ không muốn đưa cho nữa” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.
Thông thường, việc chi tiêu những khoản nhỏ, vặt vãnh, người chồng sẽ không tính với vợ nhưng khi chi tiêu những khoản lớn cần phải có sự thống nhất của cả 2 vợ chồng.
Vị chuyên gia tâm lý này khuyên, với những gia đình có thu nhập bình thường, cả 2 vợ chồng góp tiền chung để chi tiêu thì người giữ tiền chung cần ghi chép lại những khoản chi tiêu (không tính những khoản quá nhỏ) để tránh trường hợp người kia sẽ đặt những câu hỏi như: sao tiêu gì mà tiêu chóng hết thế?; tháng nào cũng đưa ngần ấy tiền mà chẳng thừa đồng nào?...
Hơn nữa, việc người vợ/chồng chi tiêu cho gia đình mà không chia sẻ để đối phương được biết sẽ làm đối phương có suy nghĩ vợ/chồng đã “ăn mảnh”, tiêu vào việc gì riêng tư hoặc có quỹ đen…, từ đó dẫn đến sự nghi ngờ lẫn nhau và dẫn đến mâu thuẫn gia đình.
An AnBạn đang xem bài viết Vợ cần làm gì khi chồng giao hết tiền cho mình giữ? tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].