Vợ chồng tôi, không ai là chủ tài khoản trong gia đình
Khác với những gia đình khác, tiền sẽ do vợ hoặc chồng giữ. Nhà tôi thì vợ chồng hoàn toàn bình đẳng trong việc xài tiền. Sau khi lãnh lương về ví dụ như tổng tiền lương 18 triệu thì để ra ngoài 8 triệu xài, còn 10 triệu đem cất.
Bao thư tiền xài để đó, ai cần cứ lấy xài. Khi nào cần sắm món đồ đắt tiền như bộ ghế salon hay cái tủ, chiếc xe gắn máy thì vợ chồng bàn bạc và cùng đi mua. Vậy mà gia đình tôi tiền không bao giờ thiếu hụt vì cả hai vợ chồng đều chi tiêu hợp lý.
Nhớ lại lúc mới cưới vợ, có khi gia đình hết tiền thì vợ chồng tôi chấp nhận ăn cơm nước tương rau luộc chờ lãnh lương chứ nhất định không mượn tiền người thân để ăn uống sung sướng.
Quan điểm của tôi không để số tiền trong nhà là số âm. Dù nay cuộc sống khá rất nhiều nhưng gia đình tôi vẫn tiết kiệm. Cái ghế bị hỏng, tôi có thể sửa lại để sử dụng. Quần áo mặc thì tôi cũng sử dụng "có kế hoạch". May áo quần mới thì tôi để mặc đi đám cưới, vài lần không còn mới thì tôi mặc áo quần đó đi dạy, cũ hơn nữa thì chuyển qua mặc ở nhà. Như vậy áo quần tôi mặc thường hơn 5 năm mới bỏ đi.
Lúc con tôi còn nhỏ khi mua quần áo cho con thì tôi mua rộng và nó sẽ mặc được mấy năm sau khi nó lớn hơn. Chỉ có việc ăn uống thì gia đình tôi ưu tiên. Tôi nghĩ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng mới có sức khỏe. Vì vậy con trai tôi giờ cao lớn nhờ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Gia đình tôi hay nấu ăn tại nhà chứ ít khi ra quán, vừa tiết kiệm tiền vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi đi xa thì tôi đi xe buýt cũng là hình thức tiết kiệm vì tiển đổ xăng nhiều hơn vé xe buýt. Đi xe buýt an toàn hơn đi xe cá nhân.
Dù tiết kiệm nhưng tôi rất rộng rãi tiền bạc với người thân. Khi có khách đến nhà, gia đình tôi tiếp đãi nồng hậu. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi gửi tiền cho cha mẹ, ngày lễ, tết luôn có quà cho cha mẹ. Chính sự tử tế mà gia đình tôi có khách rất thường xuyên.
Tôi như hôm nay là kết quả những trải nghiệm, thậm chí là "vùi dập" của cuộc đời.
Tuổi thơ cơ cực
Năm tôi 17 tuổi, tôi mồ côi mẹ, cha tôi lại không có tình thương với con nên tôi phải tự lực cánh sinh lo cho bản thân. Tôi và đứa em trai sống trong một túp lều tranh nhưng vẫn cố gắng học hành. Hàng ngày, tôi phải ăn những bữa cơm độn khoai mì. Để đến trường, tôi phải lội bộ hơn 8 cây số với manh áo cũ kỹ.
Đêm đêm, tôi phải thức khuya học bài dưới ngọn đèn dầu leo lét. Nhìn bạn bè trong lớp chân giày, chân dép, quần này, áo nọ trong khi tôi đến trường với manh áo nghèo hèn, tôi tủi thân vô cùng, có lúc phải trào nước mắt.
Để có tiền đi học, tôi phải làm thuê cấy lúa, gặt lúa… Nhiều lần làm việc vất vả, lại ăn uống thiếu thốn, có lần tôi đã ngất xỉu tại lớp học. Khổ nhất là những khi bệnh hoạn tôi không có tiền mua thuốc tây, đành kiếm lá cây trong vườn để sắc thuốc uống. Nhưng tôi vẫn cố gắng học vì nghĩ chỉ có con đường học vấn mới giúp cho đời mình lật sang trang mới.
Ý thức được cảnh sống nghèo khó nên sau khi học và tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm và đi dạy, tôi có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Những năm tôi mới ra trường đi dạy dù đồng lương rất ít ỏi nhưng tôi vẫn cố gắng tích lũy tiền.
Tôi có một phong bì riêng để dành tiền chứ không cần mua con heo đất bỏ tiền vào. Cứ đến tháng lãnh lương là tôi bỏ vào ít tiền. Đây là số tiền tôi dành dụm phòng khi hữu sự. Ngoài giờ dạy tôi đi làm thuê cho những người ở xóm và số tiền có được tôi bỏ vào phong bì tiền để dành. Nhờ "góp gió thành bão" mà thỉnh thoảng là tôi có được số tiền lớn.
Viết tiểu thuyết kiếm tiền cưới vợ
Cuộc đời tôi thật sự khởi sắc khi tôi phát hiện được năng khiếu sáng tác văn chương thiên phú của mình. Tôi viết và phát hành được 4 quyển tiểu thuyết, nhờ tiền nhuận bút và tiền tích lũy trước đây mà tôi cưới vợ là đồng nghiệp của tôi. Còn gì hạnh phúc khi khi vợ tôi hiểu tiền tôi bỏ ra tổ chức lễ cưới hoàn toàn do tôi tích lũy chứ cha tôi không cho tôi tiền.
Sau khi cưới vợ, hai vợ chồng tôi ở riêng với ngôi nhà lá. Tranh thủ thời gian chưa có con, ngoài giờ dạy, tôi làm ruộng, trồng trọt và chăn nuôi, tôi thật sự làm nông dân tay lấm chân bùn. Tôi nuôi gà mỗi đợt khoảng 200 con, nhờ có làm ruộng và trồng rau nên gia đình có gạo và rau sạch ăn. Có nguồn thịt gà và trứng gà cùng cá ở ao nhà bổ sung nên gia đình ít có tốn tiền đi chợ mua thức ăn.
Mùa nắng vợ chồng tôi làm nấm rơm và trồng đậu bắp dưới chân ruộng để có thêm thu nhập từ tiền bán đậu bắp và nấm rơm Nguồn phân gà tôi ủ phân để trồng lúa và hoa màu. Rau xanh, cám, lúa cũng làm thức ăn cho gà. Theo mô hình khép kín này mà cả trồng trọt và chăn nuôi tôi ít tốn chi phí.
Nhờ vậy khi bán gà thì đó chính là số tiền lời trọn vẹn trong quá trình chăn nuôi. Giai đoạn này hai vợ chồng tôi rất vất vả vì phải làm việc quần quật suốt ngày nhưng bù lại có thu nhập cao. Có tiền dư tôi gửi vào ngân hàng để có thêm lãi suất.
Vợ tôi bệnh nặng làm cho toàn bộ tiền tích lũy không còn
Năm 1998, vợ tôi bị bệnh rất nặng phải nằm viện và điều trị thời gian dài. Sau khi xuất viện vì đề phòng ung thư sau này nên phải chích 6 mũi thuốc trong vòng 6 tháng. Mỗi mũi thuốc giá 1 triệu. Sau lần đó, số tiền tích lũy của hai vợ chồng hết sạch.
Thậm chí tôi có mượn tiền chị tôi để xoay xở. Đó là lần đầu tiên tôi bị nợ. Dù tôi hẹn chị 3 tháng trả nhưng chỉ 1 tháng là tôi trả được vì thời gian đó tôi quyết tâm tiết kiệm tối đa để có tiền trả nợ.
Tôi cũng không buồn chuyện vợ bệnh làm cho tiền bạc không còn. Tôi nghĩ còn sức khỏe, còn đôi tay thì tôi có thể làm lại từ đầu. Sau ngày đó hai vợ chồng vẫn cố gắng làm việc và dần dần cuộc sống ổn định như trước.
Vợ chồng tôi có con và thay đổi cách kiếm thêm thu nhập
Sau khi hai vợ chồng tôi có con thì cuộc sống thay đổi. Vợ tôi dạy buổi sáng, tôi dạy buổi chiều. Để luân phiên giữ con nên hai vợ chồng không thể nào chăn nuôi hay trồng trọt nhiều như trước. Chỉ trồng rau để ăn trong gia đình.
Nhờ chịu khó giữ con mà gia đình tôi tiết kiệm được số tiền gửi con vào nhà trẻ. Lúc này tôi khai thác nghề viết lách. Do thời gian này việc phát hành sách khó khăn nên tôi không thể viết tiểu thuyết. Trong khi giữ con, tôi phải cố gắng soạn bài, chấm bài và hoàn thành công việc của nhà trường, sau đó tôi tranh thủ những lúc con ngủ, tôi viết báo để cộng tác cho các toà soạn báo và đài phát thanh.
Tôi thật may mắn vì có nhiều năng khiếu bẩm sinh. Tôi viết được nhiều thể loại như truyện dài, truyện ngắn, làm thơ, viết phóng sự, tiểu phẩm và đạt rất nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi viết nên thu nhập của tôi ngày càng nâng cao.
Tôi đã từng trải qua cuộc sống khó khăn, từ lâu tôi mong sau này khá hơn sẽ làm công việc từ thiện. Hơn 15 năm qua, mỗi tháng gia đình tôi đều trích ra 1 triệu đồng để làm từ thiện giúp những mãnh đời bất hạnh. Nếu có thêm nhuận bút từ nghề viết lách thì sẽ làm từ thiện nhiều hơn.
Vợ chồng tôi hay đi đến các tỉnh khác giúp cho các trẻ mồ côi, các em khuyết tật. Ngoài giúp tiền, tôi còn làm tình nguyện viên cho các em khuyết tật trong những chuyến du lịch xa. San sẻ cho những mãnh đời bất hạnh là hạnh phúc của gia đình tôi.
Trong thời gian cả nước chống chọi với đại dịch Covid 19, tôi cũng thường giúp đỡ cũng như chuyển tiền của các nhà hảo tậm cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra tôi đạt rất nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi viết Lương giáo viên cũng được điều chỉnh tăng lên cộng thêm tiền nhuận bút nên cuộc sống vợ chồng tôi ngày càng khấm khá.
Tôi áp dụng câu "Thời giờ là vàng bạc" vì vậy tôi xếp lịch làm việc phù hợp trong ngày do tôi có nhiều nghề. Tôi thường dậy sớm lúc 4 giờ sáng, tôi tập thể dục, sau đó viết văn khi có ý tưởng. Đến 6 giờ tôi chuẩn bị đi dạy. Ngày nào không có dạy vào buổi chiều thì tôi làm công việc nhà trường như chấm bài kiểm tra, soạn bài…
Chiều mát khoảng 4 giờ, tôi chăm sóc ruộng vườn, buổi tối tôi vẽ tranh chữ cho khách hàng. Nghề vẽ tranh chữ có vợ con tôi phụ giúp. Chủ nhật gia đình tôi nghỉ ngơi, nấu những món ăn ngon hay về thăm ông bà cha mẹ. Nhờ có lịch làm việc hợp lý giúp cho công việc tôi trôi chảy.
Vợ chồng tôi cất nhà mới nhờ tiền tích lũy
Từ ngày tôi cưới vợ, dù có tích lũy tiền nhưng gia đình tôi không dám sắm sửa những vật dụng xa xỉ. Trong khi cả xóm gia đình nào cũng có chiếc ti vi màu thì nhà tôi vẫn giải trí bằng chiếc tivi trắng đen. Tôi ở nhà nền đất chứ không lót gạch. Tôi quyết tâm góp tiền bao giờ cất nhà xong mới sắm đồ đạc.
Ngay cả những việc chi tiêu nhỏ nhặt như sắm cái nồi, cái bàn, cái ghế, vợ chồng tôi vẫn cân nhắc, vật gì dù cũ còn sử dụng được thì không bỏ đi. Tôi nghĩ "Muốn có số tiền 100 ngàn thì phải biết tiết kiệm được 1 ngàn".
Có ý chí cuối cùng cũng thành công, năm 2006, con trai tôi được 6 tuổi, lúc này gia đình tôi đã có đủ tiền cất nhà tường. Vậy là tôi gom số tiền tích lũy khoảng 100 triệu để cất nhà.
Dù biết rằng số tiền này sẽ cất hoàn thành ngôi nhà nhưng năm ấy tôi chỉ xây "cốt nhà" tức là chỉ xây chứ không tô nhà hoàn chỉnh. Tiền còn lại sau khi làm nhà tôi gửi vào ngân hàng để năm sau có thêm tiền lãi. Quả thật, nhờ cách tính này mà năm 2007, tôi làm nhà "tập hai" rất có lợi.
Sau một năm giá vật tư giảm hơn trước nhưng tôi có tiền nhiều hơn nhờ tiền lãi suất của ngân hàng. Lần này thì ngôi nhà tôi hoàn chỉnh. Ai cũng ngạc nhiên vì tôi đi dạy mà dành dụm cất nhà tường trong khi bao người trong xóm phải bán đất mới có tiền cất nhà.
Khi có tiền gửi ngân hàng thì tôi cân nhắc gửi sao cho có lợi nhất. Tôi chỉ gửi ngắn hạn một số tiền, còn lại gửi dài hạn để có lãi suất cao hơn. Như vậy nếu có sự cố đột xuất thì tôi cũng có thể rút tiền mà không chịu thiệt về lãi suất. Tiền lãi ngân hàng tuy thấp so với các kênh đầu tư khác, tuy nhiên độ an toàn cao và về lâu dài cũng có thu nhập khá từ lãi suất.
Đúc kết kinh nghiệm chi tiêu của gia đình tôi
Sắp xếp thời gian khoa học, làm việc chuyên cần, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm từ việc nhỏ nhất nhưng khi cần xài tiền đúng lúc thì dù phải tốn bao nhiêu tiền cũng chấp nhận, khi có tiền tích lũy thì gửi ngân hàng để có tiền lãi, chính là bí quyết giúp cho gia đình tôi thoát cảnh "nghèo rớt mồng tơi" và có thể san sẻ cho những mãnh đời khó khăn trong xã hội. Quan trọng trong cuộc sống có khi vì sự cố như bệnh hoạn mà làm hao hụt tiền bạc thì chúng ta cũng không được nản chí.
Tôi nghĩ " Ở đâu có ý chí, ở đó sẽ thành công". Từ một người nghèo, nay khá lên và nhiều người gọi tôi là ông Bụt, là "đại gia tình cảm" vì hay giúp đỡ các mãnh đời bất hạnh.
Tôi mong câu chuyện tôi kể sẽ là niềm tin hy vọng dành cho những gia đình có cuộc sống còn thiếu trước hụt sau. Nếu bạn có quyết tâm thì một ngày không xa cuộc đời bạn sẽ lật sang trang mới.
Tôi rất xúc động khi tham gia cuộc thi, nhờ đó tôi có dịp hồi tưởng lại những ký ức khó quên trong suốt cuộc đời mình từ thuở hàn vi đến nay. Sau bao giông bão của cuộc đời, tôi sẽ quyết tâm chèo chống đưa con thuyền của gia đình tôi cập vào bến bờ hạnh phúc.
Người dự thi: Nguyễn Thanh Dũng
(58 tuổi, Giáo viên trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
Bạn đang xem bài viết Sống hạnh phúc với vợ mấy chục năm nhờ những tuyệt chiêu chi tiêu có 1 không 2 tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].