Khoảng 9h sáng nay, tuyết đã rơi phủ dày từ 2-3 cm tại khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ, khu vực giáp ranh giữa Lào Cai và Lai Châu.
Việc tuyết rơi nằm ngoài mọi dự báo thời tiết khi mà các trang tin thời tiết trong nước và quốc tế đều cho rằng cuối tuần này sang đầu tuần sau mới có tuyết.
Việc tuyết rơi ở Ô Quy Hồ gần như khẳng định sẽ có tuyết tại trung tâm thị trấn Sa Pa bởi khoảng cách 2 địa điểm này khá ngắn, nhiệt độ chung của cả khu vực cũng đang ở ngưỡng trên dưới 0 độ C.
Đầu giờ chiều nay tuyết mới chỉ rơi nhẹ trong khoảng 30 phút, nhiều khả năng tuyết sẽ tiếp tục rơi dày hơn và có thể kéo dài nhiều ngày bởi dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Anh Mạnh Hà cho biết thêm, rất nhiều du khách đã liên hệ và chuẩn bị lên Sapa ngay khi có thông tin tuyết bắt đầu rơi.
Sa Pa hiện đang trong quá trình xây dựng, đường xá khá chật và bừa bộn. Mặc dù hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nhiều nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải vào mỗi dịp cuối tuần, đặc biệt khi có dạng thời tiết đặc biệt như băng giá, tuyết rơi.
Nếu bạn dự định lên Sapa vào thời điểm này, ngoài việc trang bị quần áo, đồ chống rét, cũng nên liên hệ tìm nhà nghỉ trước đề phòng cháy chỗ nghỉ.
Clip tuyết rơi tại Sa Pa do nhân viên cáp treo Fansipan ghi lại
Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội.
Khí hậu Sapa mát mẻ quanh năm; Nhiệt độ trung bình năm 15oC, mùa hè nhiệt độ Sapa dao động 13 -15oC vào ban đêm và 18 -20oC vào ban ngày; Mùa đông nhiệt độ có thể giảm sâu xuống 0oC, tiết trời lạnh giá và có tuyết rơi.
Một ngày ở Sapa bạn có thể được trải nghiệm 4 mùa trong năm: Buổi sáng mang tiết trời mùa xuân se lạnh, buổi trưa nắng ấm của mùa hè, buổi chiều dịu mát tiết trời vào thu, buổi tối nhiệt độ giảm sâu khiến bạn có cảm giác như mùa đông.
Mạnh Tuấn / GIADINHMOI.VNBạn đang xem bài viết Tuyết đã rơi tại thị trấn Sa Pa, nhiều du khách bắt đầu đổ về ngắm tuyết tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].