Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới ban hành công văn về việc mở rộng chỉ định cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi của vắc-xin Spikevax (hay còn gọi là vắc-xin Moderna).
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Dược, vắc-xin Moderna COVID-19 có đặc điểm bên ngoài là dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vắc-xin COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid), tức bằng 1/2 so với liều của người trưởng thành.
Giống như tất cả các loại thuốc, vắc-xin Moderna có thể gây ra các tác dụng phụ, mắc dù không phải ai cũng gặp phải. Trẻ tiêm loại vắc-xin này có thể gặp phải một số triệu chứng dưới đây.
- Triệu chứng rất thường gặp (tỷ lệ khoảng 1/10 trẻ): Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (52,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%), đau khớp (21,3%).
- Triệu chứng thường gặp (tỷ lệ gặp từ 1 đến 10%): Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm.
- Triệu chứng ít gặp (tỷ lệ gặp từ 0,1 đến 1%): Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm.
- Triệu chứng hiếm gặp (tỷ lệ gặp từ 0,01% đến 0,1%): Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da.
- Triệu chứng rất hiếm gặp (tỷ lệ gặp dưới 0,01%): Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
- Tần suất không xác định: Phản vệ, quá mẩn, đau bụng.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường dưới đây cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
- Kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng.
- Đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi.
- Khó thở: Khi hoạt động bình thường, khi nằm.
- Sốt cao khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ.
- Vân tím trên da.
- Phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.
An AnBạn đang xem bài viết Trẻ 6-11 tuổi có thể gặp phản ứng gì sau tiêm vắc-xin Moderna phòng COVID-19? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].