Cận thị là gì?
Cận thị là tật khúc xạ làm rối loạn các chức năng của thị giác. Trong những trường hợp này, trục nhãn cầu sẽ bị dài ra khiến những tia sáng hội tụ ở trước võng mạc chứ không phải đúng võng mạc. Điều này khiến những người bị cận thị chỉ có khả năng nhìn được những vật ở gần, chứ không thể nhìn rõ những vật ở phía xa.
Hiện nay tình trạng trẻ bị cận thị đang có chiều hướng tăng cao. Nếu trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhược thị, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng nhìn và học tập.
Các biểu hiện của tật cận thị ở trẻ
Khi bạn phát hiện con mình có một trong các biểu hiện dưới đây, rất có thể trẻ đã bị suy giảm thị lực, cần đưa trẻ đi khám.
Trẻ thường xuyên xem tivi hoặc đọc sách với khoảng cách gần
Nếu bạn nhận thấy thời gian gần đây trẻ thường xem tivi với khoảng cách gần hoặc cúi sát khi đọc sách, học bài, thì đó chính là dấu hiệu nhận biết trẻ bị cận thị.
Trẻ thường xuyên dụi mắt
Bạn quan sát thấy trẻ thường giơ tay lên dụi mắt khi nhìn tập trung lâu vào vật gì đó hoặc khi đang vui chơi, cần nghĩ tới việc con bạn có vấn đề về thị lực.
Lạc chỗ khi đọc hoặc phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt
Khi học đọc, ban đầu trẻ thường sử dụng ngón tay để trỏ theo các từ cần đọc. Thông thường, sau một lúc làm quen, trẻ có thể tập trung và không bị lạc khỏi chỗ cần đọc. Nếu sau khi đọc được một lúc, bé vẫn dùng ngón tay lần theo chữ, hãy yêu cầu con thử đọc to không cần chỉ tay. Nếu trẻ không thực hiện được điều này, nên đưa bé đi kiểm tra thị lực.
Trẻ nhạy cảm với ánh sáng hoặc bị chảy nước mắt nhiều hơn bình thường
Trẻ có dấu hiệu nhạy cảm quá với các loại ánh sáng như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn trong nhà. Bạn thấy trẻ sợ ánh sáng, nheo mắt lâu hoặc lấy tay che mắt khi có ánh sáng hoặc trẻ cảm thấy đau đầu, buồn nôn. Biểu hiện trẻ nhạy cảm với ánh sáng có thể là dấu hiệu của bệnh lý về mắt, trong đó có cận thị.
Trẻ nhắm một mắt khi đọc sách hoặc xem tivi là biểu hiện bị cận thị
Khi trẻ thường xuyên nhắm một mắt, bạn hãy đề phòng vì đó có thể là một dấu hiệu của tật khúc xạ hoặc có vấn đề về thị lực nên ảnh hưởng tới khả năng phối hợp đồng bộ hai mắt.
Trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu để quan sát bảng rõ hơn
Giáo viên cùng phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm những trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi quan sát bài giảng trên bảng. Khi nhận thấy học sinh có những biểu hiện đó, giáo viên hãy báo với phụ huynh để đưa trẻ đi khám kiểm tra thị lực và nên chuyển trẻ ngồi ở vị trí khác gần bảng hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ em bị cận thị
Một số nguyên nhân chính khiến trẻ mắc tật cận thị là:
– Do yếu tố di truyền: Nếu bố hoặc mẹ cận thị từ 6 diop trở lên thì khả năng cao là trẻ sẽ bị cận do di truyền.
– Trẻ sinh ra có cân nặng thấp hoặc sinh non từ 2 tuần trở lên có khả năng cao bị cận thị.
– Trẻ ngủ quá ít hoặc thường xuyên bị thiếu ngủ.
– Trẻ ngồi học và đọc sách không đúng tư thế, ở khoảng cách quá gần hoặc ở những nơi không đủ ánh sáng.
– Trẻ thường xuyên xem TV và ngồi gần với khoảng cách dưới 3m.
– Trẻ sử dụng ipad, máy tính hoặc điện thoại di động liên tục trong một khoảng thời gian dài.
Xem thêm: Mổ cận thị có được hưởng BHYT không?
V.LinhBạn đang xem bài viết 6 biểu hiện chứng tỏ trẻ bị cận thị, bố mẹ nên cho con đi khám sớm để kịp thời cứu đôi mắt con tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].