Báo Điện tử Gia đình Mới

Trao truyền giá trị nhân ái, tô đẹp phẩm giá người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Trong phạm vi bài này, người viết chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa đạo đức của phụ nữ Việt Nam, nêu lên những đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực nhân đạo, tô điểm thêm những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

phu nu viet nam 3

Tóm tắt: Phẩm chất con người là một trong những giá trị cốt lõi, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng phương pháp phân tích tài liệu và phân tích hoạt động thực tiễn, bài viết đi sâu phân tích, luận giải về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc trao truyền giá trị nhân ái trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới và yêu cầu xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam. Bài viết chỉ ra rằng, phụ nữ Việt Nam rất tích cực tham gia vào lĩnh vực nhân đạo, đóng góp đáng kể cho công tác nhân đạo, từ thiện, với vai trò cá nhân và tổ chức, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, và Hội LHPN Việt Nam. Bài viết cũng đề xuất các giải pháp thúc đẩy vai trò và đóng góp của phụ nữ trong công tác nhân đạo, trao truyền giá trị nhân ái, và tô đẹp phẩm giá người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

Từ khoá: Giá trị nhân ái, phẩm giá, phụ nữ Việt Nam, thời đại mới, bối cảnh hội nhập

Abstract: Human quality is one of the core values, contributing to promoting sustainable development. Using document analysis and practical activities analysis approaches, the paper analyzes and explains the role of Vietnamese women in the transmission of compassionate values in the context of deep integration with the world and the requirement to build a Vietnamese human and Vietnamese family value system. The paper emphasizes that Vietnamese women are very actively involved in the humanitarian field, making significant contributions to humanitarian and charity work, both individually and as organizations, especially the Vietnam Red Cross, and the Vietnam Women’s Union. The paper also proposes solutions to promote the role and contribution of women in humanitarian work, transmit compassionate values, and beautify the dignity of Vietnamese women in the new era.

Keywords: Values of humanity, dignity, Vietnamese women, new era, integration context

1.  Đặt vấn đề

Báo cáo chính trị tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc (dẫn theo Lê Hữu Nghĩa, tr.246). Việc đề cập đến văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam đã và đang được rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu luận bàn và trở thành mối quan tâm của các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thế nào để thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững? Hệ giá trị con người Việt Nam bao gồm giá trị gì? Tiêu chí của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới ra sao? Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ đã chính thức phát động phong trào thi đua: “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước), gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đạo đức là một trong những khía cạnh văn hóa trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện rất sâu sắc trong bài phát biểu tại cuộc gặp mặt 80 đại biểu tiêu biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và người hiến máu tiêu biểu năm 2022, ngày 29.8.2022 tại Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc gặp mặt này, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhân đạo, nhân ái luôn là giá trị cốt lõi, nổi trội, xuyên suốt”. “Nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người, giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người”. Quan điểm này cũng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Nội hàm khái niệm xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới rất phong phú, toàn diện. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa đạo đức của phụ nữ Việt Nam, nêu lên những đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực nhân đạo, tô điểm thêm những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ trong xã hội hiện nay.

2.  Nhân đạo và người phụ nữ

Theo Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, nhân đạo là đạo đức thể hiện sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người. Nhân đạo là đạo làm người, là đạo đức của con người, là con đường hay cách hành động đúng đắn của con người có đạo đức, có lòng nhân ái và tâm hướng thiện. Nhân đạo là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, là sự kết nối, chia sẻ, hỗ trợ trực tiếp giữa cá nhân với cá nhân, hoặc thông qua các tổ chức làm nhân đạo. Đạo đức được hiểu là: “hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”. Việc làm nhân đạo được điều chỉnh bởi các quy định phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Đạo đức là một phạm trù của triết học liên quan đến việc hệ thống hóa, bảo vệ và khuyến nghị các hành vi liên quan đến chuẩn mực, lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Theo lý giải từ Từ điển Hán - Việt, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001 của nhà sử học Đào Duy Anh, “đạo” được hiểu là đường đi, là đạo lý, là cái nghĩa lý đương nhiên; nghĩa đen là con đường, đường lối dẫn dắt con người ta đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Chữ “nhân” theo nghĩa hẹp là người, là lòng từ ái, bao dung, độ lượng, thương người. Dưới góc nhìn của Nho giáo, nhân còn là mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Nhân đạo là đạo làm người, là con đường hành động của người có đạo đức, có lòng nhân ái và tâm hướng thiện. Tư tưởng nhân đạo tồn tại trong văn hóa truyền thống, trong các tôn giáo và được xem là thước đo quan trọng của văn minh nhân loại và tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam tinh thần nhân ái đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc, vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và trở thành giá trị cốt lõi, nền tảng tinh thần, động lực phát triển của quốc gia.

Giá trị nhân ái được lưu giữ, trao truyền bởi nhiều thế hệ, trong đó có vai trò của phụ nữ - người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại đã hun đúc nên truyền thống tương thân, tương ái trong quá trình chung lưng đấu cật xây đắp giang sơn và duy dưỡng giống nòi. Người phụ nữ Việt Nam hiện đại là những người kế thừa và phát huy truyền thống quý báu đó. Tổng thư ký Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế đã từng nhận xét về phụ nữ Việt Nam khi đi khảo sát phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968: “Các chị giống như cây lau mềm mại…nhưng cây lau đó là bằng thép”. Tác giả Lê Thị Nhâm Tuyết (2011) cho rằng, đây là hình tượng vừa cổ kính vừa hiện đại phản ánh hình thái độc đáo của người phụ nữ Việt Nam ngày nay, mang nặng và gắn bó với truyền thống quá khứ, nhưng không ngừng ở lại đấy mà đang tích cực phát huy nó. Thật xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng. Phụ nữ Việt Nam ngày nay đã và đang tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống và giá trị thời đại, cùng với ý chí và khát vọng vươn lên để khẳng định vai trò kết nối, trao truyền giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ tương lai. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội: lao động sản xuất, xây dựng gia đình và đấu tranh xã hội.

Lòng nhân ái có thể xem như một hạt nhân cơ bản trong tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Tác giả Lê Thị Nhâm Tuyết (2011) đã viết: “Lòng nhân ái đó lớn mênh mông trong suốt tiến trình lịch sử đấu tranh của dân tộc, làm nền cho những phẩm chất tinh thần phong phú, đặc sắc, những khả năng và vai trò thực tế to lớn của họ”. Sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam từ xưa đến nay đều có nguồn gốc từ lòng nhân ái. Ông cha ta đã từng nêu cao tinh thần hòa hiếu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Hay những câu ca dao, tục ngữ : “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”… đi vào cuộc sống, hương ước, tập tục, trở thành giá trị tinh thần được trao truyền qua các thế hệ, trở thành lẽ sống của người Việt: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng”.

3. Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực nhân đạo

Phụ nữ Việt Nam hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì thế, bất cứ ở đâu, làm ngành nghề gì, đều có thể tham gia và khẳng định những đóng góp của mình trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện. Bài viết này, xin đề cập ở ba khía cạnh: i) Tham gia hưởng ứng và thực hiện các chương trình từ thiện xã hội của một số nhóm phụ nữ tiêu biểu; ii) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội; iii) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò nòng cốt, đầu mối, kết nối trong hoạt động nhân đạo và sự tham gia của phụ nữ.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã rất tích cực đóng góp vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nữ doanh nhân còn được đánh giá là có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội và phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch covid 19, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao đóng góp vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Ưu điểm của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh khi dấn thân vào thương trường là sự bao dung, nhạy cảm, tinh tế và tử tế. Bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, một trong những doanh nhân thành đạt đã nói: “Hãy sưởi ấm cho gia đình và xã hội bằng tình thương và sự lo âu của người phụ nữ”. Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú nhuận (PNJ) đã chia sẻ: Tình yêu thương của phụ nữ có sức mạnh vô cùng lớn lao để xóa bỏ mọi rào cản để đưa con người xích lại gần nhau hơn. Với sự tinh tế và nhân hậu ấy, phụ nữ doanh nhân đã là lực lượng tiên phong đóng góp giá trị lớn trong các hoạt động an sinh xã hội của đất nước.

Nữ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị…bên cạnh việc khẳng định vai trò trong việc ra quyết định, lãnh đạo, còn thể hiện sự tận tâm, tận tụy, vị tha, bao dung với đồng chí, đồng nghiệp, cộng đồng; luôn đi đầu truyền cảm hứng và tham gia hưởng ứng các đợt kêu gọi nhân đạo bằng việc trích một ngày lương, đóng góp sáng kiến hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn một cách đều đặn, thường xuyên, hiệu quả.

Các nhóm phụ nữ ở cơ sở, địa bàn dân cư đã phát huy phẩm chất nhân hậu của mình bằng việc trực tiếp tham gia hỗ trợ nhân dân khi thiên tai, dịch bệnh, hoặc có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp tại địa bàn sinh sống, là biểu hiện sinh động cho tinh thần” nhường cơm, sẻ áo”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.

Là tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác xã hội, từ thiện để thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho các đối tượng phụ nữ. Hội đã phát động các chiến dịch, các chương trình kêu gọi hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em mồ côi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Báo cáo nhiệm kỳ XII (2017-2022) cho thấy, các tầng lớp phụ nữ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa, phòng chống đại dịch Covid 19. Trong 2 năm 2020, 2021, Hội đã vận động trên 480 tỷ, 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương, nhận đỡ đầu 500 trẻ em mồ côi.

Từ năm 2017-2022, Hội đã vận động 746 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa mái ấm tình thương và trên 3000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện (Hội LHPN Việt Nam, 2022).

Hội Chữ thập đỏ với vai trò nòng cốt, đầu mối, kết nối trong hoạt động nhân đạo và sự tham gia của phụ nữ. Trong hệ thống tổ chức Hội Chữ thập đỏ từ cấp trung ương đến cấp huyện/quận có 526 phụ nữ làm cán bộ chuyên trách, chiếm gần 35% tổng số cán bộ; tỷ lệ này trong cơ quan trung ương Hội là 60 %. Đội ngũ cán bộ nữ đã có những đóng góp quan trọng, quyết định trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai các hoạt động nhân đạo. Điều đó cho thấy xu hướng nữ hoá trong hoạt động nhân đạo toàn cầu.

Một trong những nội dung được đưa vào Chiến lược 2030 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) là vấn đề giá trị, quyền lực và sự hòa nhập, nhấn mạnh những nỗ lực để đảm bảo sự công nhận và bình đẳng cho tất cả mọi người bất kể giới tính, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giới hay khuynh hướng tính dục… IFRC kêu gọi lồng ghép bình đẳng giới thực sự và đa dạng của nữ giới để thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội, thể chế, cơ cấu và chính sách của Chính phủ… đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ, lãnh đạo và ra quyết định. IFRC tăng cường hỗ trợ và tập trung vào bình đẳng giới và tăng vai trò lãnh đạo của phụ nữ ở các cấp trong mạng lưới.

Các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ hướng đến các đối tượng hưởng lợi, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phụ nữ và trẻ em. Trong thực tế, phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam đang là đối tượng dễ bị tổn thương và đứng bên lề của sự phát triển nhiều hơn các đối tượng khác trong xã hội. Những thách thức của biến đổi khí hậu, di cư và chuyển đổi số đang tạo ra những gánh nặng “kép” cho người phụ nữ khi vừa phải gánh trách nhiệm gia đình và trách nhiệm xã hội. Họ luôn là đối tượng trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ.

4. Giải pháp để phát huy vai trò và đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực nhân đạo

Thứ nhất, tạo ra sự thống nhất trong nhận thức của xã hội về hoạt động nhân đạo bằng việc mở rộng và đa dạng về các chương trình giáo dục, truyền thông về nhân đạo phù hợp với các lứa tuổi, các tầng lớp trong xã hội, để các giá trị nhân đạo, nguyên tắc hoạt động nhân đạo, các quy định pháp luật về hoạt động nhân đạo được thấm sâu và dẫn dắt hành vi của mọi người, nhất là trẻ em - công dân tương lai và phụ nữ - người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, có tầm ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức và ứng xử xã hội.

Thứ hai, khuyến khích sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ vào các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ nhân đạo bằng khả năng đóng góp của mình, bằng các hoạt động, hành động nhân ái tại gia đình, cộng đồng, cơ quan, đơn vị để lôi cuốn, động viên mọi người cùng tham gia, thúc đẩy sự hòa nhập cũng như đa dạng về cơ hội đóng góp và thể hiện phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ trong hoạt động nhân đạo. Cần thiết lập và vận hành các cơ chế, chương trình, kế hoạch phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp với Hội Chữ thập đỏ - tổ chức nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo quốc gia.

Thứ ba, trao cho phụ nữ cơ hội lãnh đạo và ra quyết định trong hoạt động nhân đạo. Từ các hoạt động thực tế để lựa chọn, giới thiệu, đào tạo những người phụ nữ có khả năng kết nối cộng đồng, ra quyết định và đại diện tiếng nói của những người yếu thế. Cần thay đổi những định kiến giới để lắng nghe và hỗ trợ phụ nữ trong quá trình vận động, thuyết phục xã hội làm nhân đạo, cũng như thực hiện các quyết định nhân đạo được cho là đúng đắn. Trong thực tế, để thay đổi những thói quen “lối mòn” không dễ, nhất là sự thay đổi đó đến từ những người phụ nữ. Nếu không thoát khỏi định kiến sẽ khó có thể mở lòng chấp nhận các quyết định mang tính “cách mạng” mà phụ nữ đề xuất.

Thứ tư, với cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện, nhân đạo vốn dĩ là hoạt động tự nguyện, xong lại là lĩnh vực tiềm ẩn sự lạm dụng, lợi dụng dễ gây tác động tiêu cực đến niềm tin xã hội. Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định về vấn đề này như Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Nghị định 93/2019 quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo. Để nâng cao hiệu quả thực thi, cũng như minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình, cần tăng cường sự quản lý của nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên tôn vinh, biểu dương gương người tốt việc thiện, những người phụ nữ truyền cảm hứng đóng góp cho hoạt động nhân đạo của đất nước.

Thứ năm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, cần phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đề xuất, chia sẻ những cơ hội và thách thức trong hoạt động nhân đạo của quốc gia, tham gia có trách nhiệm vào phong trào nhân đạo toàn cầu. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ của Hội thành viên, Hội Chữ thập đỏ cần quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở của Việt Nam để định vị thế mạnh, mục tiêu và bản sắc trong hoạt động nhân đạo của quốc gia từ đó tranh thủ nguồn lực quốc tế và kinh nghiệm quốc tế cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2022). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
  2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (2017). Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
  3. Hội LHPN Việt Nam (2022). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hà Nội: Nxb Phụ nữ.
  4. Lê Hữu Nghĩa (2022, chủ biên). Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong văn kiện Đại hội XII của Đảng. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
  5. Lê Thị Nhâm Tuyết (2011). Phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Lấy từ: Website http://hoilhpn.org.vn, ngày 29/7/2011.

Tác giả: Bùi Thị Hoà - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam, Quyển 22, Số 2 - 2023

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO