Một bệnh nhân nữ 66 tuổi, nhập Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai vì buồn chán, muốn chết. Con trai bệnh nhân cho biết tình trạng của bà đã xảy ra khoảng 6 tháng nay, kể từ khi người chồng qua đời.
Ở thời điểm khởi phát, bệnh nhân có các dấu hiệu: tâm trạng không tốt, thay đổi sở thích, ngại tiếp xúc, khó ngủ, đau đầu, ăn không ngon, sụt cân.
Một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân khóc lóc, than phiền với con cái cho rằng mình có tội với các con và là gánh nặng của gia đình, đỉnh điểm bệnh nhân có ý định muốn tự sát để giải thoát.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần có ý tưởng tự sát. Sau 17 ngày điều trị nội trú bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý, bệnh nhân có tiến triển tốt, khí sắc tốt hơn, vận động nhanh nhẹn, không còn than phiền mệt mỏi và ăn, ngủ được. Bệnh nhân ổn định được cho ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.
Theo BSCK II. Nguyễn Thị Phương Loan - Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần, đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp người cao tuổi đang điều trị trầm cảm tại viện. Với đối tượng người cao tuổi, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Gần một nửa trường hợp trầm cảm bắt đầu ở tuổi cao, sau 65 tuổi. Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn so với nam giới, có thể lên đến gấp đôi ở tuổi trẻ, nhưng khác biệt này dần thu hẹp ở các độ tuổi cao hơn.
Cũng giống như bệnh đái tháo đường và xương khớp... trầm cảm cũng là một căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Điều đáng nói là rất nhiều người cao tuổi bị trầm cảm mà không biết và không được điều trị.
Dấu hiệu nhận biết người cao tuổi bị trầm cảm
Về dấu hiệu nhận biết bệnh, nếu như trầm cảm ở người trẻ dễ nhận thấy thông qua sắc mặt, cảm xúc thì người cao tuổi nhận biết trầm cảm không phải lúc nào cũng dễ dàng, tuy nhiên có một số dấu hiệu quyết định mà ta phải tìm kiếm.
Các dấu hiệu quan trọng nhất của trầm cảm là những biến đổi về nhân cách. Người bị bệnh trầm cảm bắt đầu cảm thấy giảm sự quan tâm chú ý, mất đi các hứng thú đối với các hoạt động, các đồ vật, người thân yêu mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quí. Người cao tuổi bị trầm cảm thường “bỏ cuộc” tách khỏi các hoạt động xã hội cũng như các thú tiêu khiển khác.
Những người cao tuổi trầm cảm dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc do tự ti. Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Khi cố gắng diễn đạt những cảm giác của mình liên quan đến trầm cảm, họ lại thường tập trung vào các chủ đề khác. Chẳng hạn, họ than phiền về những nỗi lo về tài chính, vấn đề hoà thuận với các thành viên trong gia đình và thường nhất là các vấn đề về sức khoẻ.
Các dấu hiệu khác bao gồm mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng. Họ thường biểu lộ một cách chung chung sự không thoả mãn về cuộc sống hiện tại.
Người bệnh có thể trở nên cáu kỉnh hay buồn rầu hơn trước đây, có thể khóc hay cảm giác muốn khóc. Họ thường hay lo lắng nhiều, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến sức khoẻ và cảm thấy khó tập trung, khó quyết định.
Một số người cao tuổi bị trầm cảm lại không hề nói gì về những cảm giác của mình. Có thể họ cho rằng cảm giác đau khổ là biểu hiện bình thường của quá trình già hoá vì vậy họ nghĩ chẳng có gì đáng để phàn nàn, xem những cảm giác này là do bệnh nọ bệnh kia gây ra và chẳng có thể làm gì để thay đổi được.
Triệu chứng nổi bật có thể kể đến như: than phiền về sức khoẻ, xuất hiện các triệu chứng lo âu hoặc ám ảnh, giảm quan tâm thích thú, suy giảm trí nhớ, rối loạn hành vi, cố ý tự gây hại,… Đáng nói, những triệu chứng này hay bị bỏ qua vì cho rằng bệnh của tuổi già, dẫn đến việc người cao tuổi mắc trầm cảm thường được phát hiện và điều trị muộn.
Điều trị bệnh trầm cảm ở người cao tuổi
Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi điều trị. Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị trầm cảm cho người cao tuổi bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hoá trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm. Hiện có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, người cao tuổi sẽ được các bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể, ít có các tác dụng phụ bất lợi và đặc biệt phải an toàn. Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở người cao tuổi cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Để đạt được mục đích này, người bệnh cần tuân thủ việc thăm khám và điều trị, chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sĩ.
- Các liệu pháp tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị trầm cảm, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp thích hợp. Quan trọng nhất, trầm cảm ở người cao tuổi là căn bệnh thường gặp ở những người già cô đơn, thiếu sự chăm sóc của gia đình, ít giao tiếp xã hội, gặp khó khăn áp lực trong cuộc sống, do đó cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ phía gia đình, người thân và cộng đồng.
Người cao tuổi rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời. Khi bị bệnh trầm cảm, người già cần tuân thủ một chương trình điều trị thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng ngày càng tốt hơn.
An AnBạn đang xem bài viết Trầm cảm – Bệnh phổ biến ở người cao tuổi nhưng dễ bị bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].