Việt Nam: Hoa hồng cài áo
Bông hồng cài áo tặng mẹ vào ngày lễ Vu Lan xuất phát từ áng văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vào một lần công tác tại Nhật Bản, Thiền sư thấy người Nhật tặng ông một bông hoa trắng cài áo.
Hiểu được ý nghĩa cao đẹp của hành động này, Thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.
Theo đó, hoa hồng là biểu tượng của tình cảm đẹp nhất, lấy chữ Hiếu làm đầu để con cái gửi đến bậc sinh thành. Ai còn Mẹ - Cha sẽ cài lên hoa hồng đỏ. Còn những ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Hàn Quốc: Hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng là loài hoa được chọn làm đại diện cho tình mẹ ở nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng ở Hàn Quốc. Nhưng ở xứ Kim Chi, người ta thường viết thiệp, mua một món quà nhỏ và tặng một bông hay một bó cẩm chướng cho người đã sinh ra mình.
Gần giống như ở Việt Nam, trong ngày này, những ai may mắn còn mẹ sẽ cài lên ngực mẹ đóa hoa cẩm chướng màu đỏ, còn những ai thiệt thòi không còn mẹ thì cài lên ngực mình đóa hoa cẩm chướng màu trắng.
Thái Lan: Hoa nhài
Ở Thái Lan, hoa nhài đã trở thành một loại văn hóa đặc trưng. Chỗ nào người ta cũng thấy treo hoa nhài, từ trong nhà, đến ngoài cửa, trên xe tuk tuk hay ở chùa chiền.
Về lý do chọn hoa nhài để tặng cho đấng sinh thành vào dịp báo hiếu, người Thái cho rằng hoa nhài xuất hiện ở khắp nơi, lại có màu trắng tinh khiết và hương thơm nồng nàn, giữ được lâu, hoa lại nở hầu như quanh năm giống như tình yêu của mẹ đối với đứa con của mình.
Australia: Hoa cúc
Ở Australia, hoa cúc có tên là "chrysanthemum", chính vì từ kết thúc của loài hoa này là "mum" (từ "Mum" còn dùng để chỉ người mẹ).
Người Úc tặng hoa này như một lời cảm ơn đến người mẹ của mình. Hoa cúc màu đỏ mang ý nghĩa tình yêu của mẹ và lòng biết ơn, vì thế, đa số đều chọn tặng cho mẹ một bông hay một bó hoa cúc đỏ.
Kim OanhBạn đang xem bài viết Lễ Vu Lan người Việt tặng hoa hồng cài áo, ở các nước khác tặng hoa gì? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].