Nội dung này được Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về ghi nhãn dinh dưỡng của thực phẩm như sau:
1. Lộ trình thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm
- Chậm nhất đến ngày 01/01/2024, thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm theo quy định tại Thông tư.
- Chậm nhất đến ngày 01/01/2025, sản phẩm thực phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải thực hiện việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm theo quy định tại Thông tư.
2. Các thực phẩm phải thực hiện lộ trình ghi nhãn dinh dưỡng
Các thực phẩm phải thực hiện lộ trình ghi nhãn dinh dưỡng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP, đơn cử như:
- Lương thực;
- Thực phẩm;
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
- Thực phẩm đã qua chiếu xạ;
- Thực phẩm biến đổi gen;...
3. Các thực phẩm không phải thực hiện lộ trình ghi nhãn dinh dưỡng
- Thực phẩm không chứa bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào quy định tại Điều 5 Thông tư;
- Nguyên liệu thực phẩm;
- Các sản phẩm bao gồm một thành phần duy nhất;
- Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (bao gồm cả loại chỉ bổ sung CO2 và/hoặc hương liệu);
- Muối ăn;
- Giấm ăn và các chất thay thế cho giấm bao gồm cả loại chỉ bổ sung hương liệu;
- Hương liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Men, enzym thực phẩm;
- Trà, cà phê không chứa thành phần bổ sung khác;
- Các thực phẩm không bao gói sẵn.
4. Nội dung ghi thành phần dinh dưỡng
- Năng lượng (Energy).
- Chất đạm (Protein).
- Carbohydrate (Chất bột đường).
- Total sugars (đường tổng số/tổng đường).
- Chất béo (Fat).
- Chất béo bão hòa (Saturated Fat).
- Natri (Sodium).
Được biết, đề xuất này dựa trên cơ sở Hướng dẫn áp dụng của CODEX năm 2011. Hiện nay tiêu chuẩn hướng dẫn áp dụng của CODEX đã được 70% các quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện đầy đủ, trong đó có các nước khu vực ASEAN như Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia,…
Theo các nghiên cứu, khảo sát, xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến công nghiệp, bao gói sẵn ngày càng gia tăng và phổ biến tại Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn này, việc thực hiện ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm tại Việt Nam hiện nay là cần thiết, điều này tác động lớn đến khẩu phần dinh dưỡng và sức khỏe của người Việt.
An AnBạn đang xem bài viết Thực phẩm ‘nhà làm’ cũng sẽ phải ghi nhãn dinh dưỡng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].