3 thói quen khi chế biến thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella

Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày là nguyên nhân dẫn đến thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, gây ra ngộ độc thực phẩm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được xử trí kịp thời.

Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào?

Mới đây, tại Trường iSchool Nha Trang đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến 1 học sinh tử vong và nhiều học sinh khác bị ảnh hưởng sức khỏe.

Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, tìm được nhiều vi khuẩn trong cánh gà chiên của bữa ăn khiến hàng loạt học sinh ngộ độc ở trường iSchool Nha Trang. Trong số các vi khuẩn tìm thấy, có vi khuẩn Salmonella. Tại sao vi khuẩn Salmonella nguy hiểm đến vậy?

Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho biết, vi khuẩn Salmonella gây bệnh đường ruột cho người.

Con người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, hoặc tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc phân của chúng.

Khi đó, vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột, gây tổn thương niêm mạc ruột. Đồng thời, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập vào mô bạch huyết của hệ tiêu hóa khiến cho cơ thể không hấp thu được nước và gây ra triệu chứng đau quặn bụng.

Khuẩn Salmonella thường gây ra các triệu chứng tiêu chảy, sốt, đau bụng, nôn/buồn nôn, nhức đầu cho người bệnh. Ảnh minh họa

Khuẩn Salmonella thường gây ra các triệu chứng tiêu chảy, sốt, đau bụng, nôn/buồn nôn, nhức đầu cho người bệnh. Ảnh minh họa

Theo thống kê, có khoảng 5% người nhiễm vi khuẩn Salmonella bị vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu rồi đi tới các bộ phận khác của cơ thể.

Vi khuẩn Salmonella khi xâm nhập vào cơ thể con người thường gây ra các triệu chứng tiêu chảy, sốt, đau bụng, nôn/buồn nôn, nhức đầu.

Một số người bệnh có thể tự khỏi khi nhiễm vi khuẩn Salmonella. Tuy nhiên, trường hợp người nhiễm khuẩn Salmonella dẫn đến tiêu chảy, mất nước mà không được bù nước kịp thời thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch kém, người cao tuổi, trẻ nhỏ…

Vì sao vi khuẩn Salmonella hay gặp trong các vụ ngộ độc thực phẩm?

Dù đã được các chuyên gia y tế và các cơ quan chức năng khuyến cáo nhiều về sự nguy hiểm của vi khuẩn Salmonella, nhưng trong các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn thường có mặt của khuẩn Salmonella. Lý giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Thu Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân.

- Thứ nhất, về phía người dân, nhiều người có sở thích ăn thịt, trứng không nấu chín kỹ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella là rất lớn. Bên cạnh đó là việc người dân ăn phải các loại rau, quả hoặc đồ ăn chế biến sẵn bị nhiễm khuẩn; hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do không rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn hoặc sau khi chăm sóc gia súc, gia cầm; hoặc bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ nấu ăn bị nhiễm vi khuẩn (dao, thớt, bát, đũa…).

- Nguyên nhân thứ 2 đến từ các đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm. Chính quy trình sơ chế thực phẩm không sạch sẽ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho thực phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella và gây bệnh cho người sử dụng, tiếp xúc với thực phẩm.

- Nguyên nhân thứ 3 đến từ các trang trại, hộ gia đình nuôi gia súc, gia cầm. Quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm không kiểm soát tốt vệ sinh chuồng trại, thức ăn của vật nuôi không được diệt vi khuẩn sẽ khiến gia súc, gia cầm nhiễm vi khuẩn Salmonella.

TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam

TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam

3 thói quen khi chế biến thực phẩm dễ gây nhiễm khuẩn Salmonella

Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, có 3 thói quen sinh hoạt của người dân Việt và các doanh nghiệp khi chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella gồm:

- Không rửa sạch tay và dụng cụ chế biến: Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn là không rửa tay và dụng cụ chế biến sạch sẽ. Điều này sẽ làm cho vi khuẩn lây lan sang các loại thực phẩm khác. Để ngăn chặn việc nhiễm khuẩn chéo, cần lưu ý rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, nhất là các thực phẩm tươi sống; vệ sinh thớt và các dụng cụ nhà bếp sạch sẽ, để chúng luôn khô ráo. Luôn vệ sinh khu vực nhà bếp sạch sẽ là cách tốt nhất giúp hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn trong chế biến, nấu ăn. Một gian bếp sạch sẽ, dụng cụ chế biến sạch, đồ dùng sáng bóng sẽ hạn chế vi khuẩn hay virus lây lan giữa các loại thực phẩm, hay giữa đồ dùng nhà bếp với các loại thực phẩm.

- Dùng chung dụng cụ sơ chế thức ăn sống và chín (ví dụ: dao, thớt, đũa): Thói quen dùng chung dao, thớt để thái thực phẩm sống, chín, rau củ quả sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Salmonella. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên sắm riêng các loại dao, thớt khác nhau dành riêng cho các loại thực phẩm riêng biệt như thịt cá tươi sống, đồ chín và rau củ quả…

Thói quen dùng chung dụng cụ sơ chế thực phẩm sống, chín làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Ảnh minh họa

Thói quen dùng chung dụng cụ sơ chế thực phẩm sống, chín làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella. Ảnh minh họa

- Quy trình từ giết mổ gia súc, gia cầm đến sơ chế và bán tại chợ không đảm bảo vệ sinh: Cách giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế và bày bán tại các chợ hiện nay tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Chỉ một góc nền nhỏ, gia súc được đặt xuống nền rồi đổ nước sôi cạo lông, cắt tiết, pha lóc xương thịt, rồi làm lòng… Hay như chỉ một nồi nước sôi, nhiều con gia cầm được lần lượt nhúng nước và rồi chỉ có một con dao nhưng mọi quy trình từ cắt tiết, làm lông, sơ chế cho tới khi thái thịt chín, không hề được khử trùng sạch sẽ... Hơn nữa, trong các khu chợ, nguồn nước rất khan hiếm, quy trình giết mổ gia súc, gia cầm như vậy luôn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm lây truyền, vấy nhiễm vi khuẩn Salmonella và cả E.coli nếu thịt bị nhiễm phân lợn, phân gà.

Để ngăn ngừa nguy cơ mang mầm bệnh từ vi khuẩn Salmonella, bác sĩ Thu Anh khuyến cáo người dân như sau.

Đối với chế biến thực phẩm, cần:

  • Nấu chín thức ăn
  • Rửa tay với xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn
  • Rửa sạch dụng cụ sơ chế và nấu ăn
  • Không sơ chế thực phẩm khác khi đang sơ chế thịt, hải sản, trứng sống
  • Rửa sạch rau, hoa quả, gọt vỏ trước khi ăn
  • Cấp đông thịt, hải sản ngay sau khi sơ chế nếu không nấu ăn ngay
  • Chỉ uống sữa đã tiệt trùng, nước đã đun sôi

Nuôi gia súc, gia cầm an toàn

  • Rửa tay với xà phòng sau khi chạm vào gia súc, gia cầm
  • Dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ
  • Thức ăn cho gia súc gia cầm được xử trí để diệt vi khuẩn Salmonella
  • Giám sát sức khỏe đàn gia súc, gia cầm để loại con vật bệnh
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính