Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thú vị ngôi làng treo cờ Tổ quốc trên cây nêu, thấy trồng nêu là thấy Tết

Lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên ngọn cây nêu cao vút trước sân mỗi nhà – đó là dấu hiệu riêng báo một mùa Xuân mới đã về đối với người dân xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Thú vị ngôi làng treo cờ Tổ quốc trên cây nêu, thấy trồng nêu là thấy Tết 0

Thấy cây nêu treo cờ tổ quốc là thấy tết

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” – đó là 2 câu thơ thể hiện gói gọn những nét đặc trưng của Tết Việt xưa. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà thường dựng cây nêu để tránh những xui xẻo và cầu mong những điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Phong tục dựng cây nêu ngày Tết dần dần bị mai một, chỉ còn rất ít địa phương vẫn duy trì phong tục dựng cây nêu trước sân nhà mỗi khi Tết đến. Trong số đó có xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, ông Đặng Văn Lan, Chủ tịch UBND xã Thanh Cường kể: Cho đến năm mới Kỷ Hợi 2019, ở xã Thanh Cường vẫn có nhiều gia đình duy trì phong tục truyền thống dựng cây nêu đón Tết của người Việt xưa. “Từ xa xưa tới ngày nay, các gia đình đều dựng cây nêu để muốn gìn giữ không khí Tết cổ truyền và giúp thể hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về phong tục truyền thống của Tết Việt xưa. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người nâng cao ý thức giữ gìn một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa”.

Như thường lệ, cây nêu được người dân xã Thanh Cường bắt đầu dựng từ ngày ông Công, ông Táo. Để dựng được cây nêu ứng ý, nhiều nhà đã lặn lội đi tìm cây tre, mong sao tìm được cây tre thẳng tắp để dựng nêu.

Thường thì những cây tre được chọn làm cây nêu sẽ là cây tre tươi, thẳng, có chiều dài khoảng 4m, vẫn còn nguyên ngọn tre với những tán cành lá. Nếu những cây tre không có cành lá trên ngọn, mọi nhà sẽ tìm cách buộc lá vạn tuế lên ngọn.

  Trang trí cây nêu trước khi được dựng lên trước nhà.

Trang trí cây nêu trước khi được dựng lên trước nhà.

Điều đặc biệt là trên ngọn cây nêu ở Thanh Cường, mọi người đều treo cờ Tổ quốc trên thân cây nêu để mừng năm mới. “Màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc treo trên cây nêu thể hiện niềm mong ước của người dân về một năm mới may mắn, rực rỡ. Đó cũng thể hiện tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc và cũng tạo nên sự ấm áp những ngày đầu xuân” – ông Lan bộc bạch.

Ông Lan cũng chia sẻ, cả xã hiện có hơn gần 1.500 hộ dân, và vẫn còn tới 70 - 80% người dân trong xã còn giữ phong tục này. Đó đa phần là những gia đình có người lớn tuổi, vẫn mong giữ được đặc trưng của ngày Tết Việt xưa qua phong tục dựng cây nêu.

Khi chính quyền địa phương phát động người dân treo cờ Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán, nhân dân xã Thanh Cường đã sáng tạo treo lá cờ lên thân cây nêu.

Dần dần việc treo cờ trên cây nêu trở thành một điểm nhấn ở Thanh Cường khi đứng trên cao nhìn xuống, ngôi làng nhiều màu xanh của cây cối được điểm tô bởi màu đỏ của những lá cờ bay phấp phới trên cây nêu.

Theo phong tục tập quán, người dân địa phương dựng cây nêu sau khi cúng ông Công, ông Táo và hạ cây nêu ngay sau khi hóa vàng sau Tết.

Nguồn gốc tập tục trồng cây nêu

Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển vào đất liền và bén mảng đến nơi Người cư ngụ. Tục lệ này được truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa, Người và Quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt Người đi làm thuê cho chúng với những điều kiện ngày càng khắt khe.

Với trò “ăn ngọn cho gốc”, đến mùa gặt Quỷ lấy hết phần ngọn (những bông thóc), còn Người chỉ được phần gốc (rạ). Phật thương Người, mách bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người lấy hết củ, Quỷ chỉ được dây và lá khoai.

Quỷ tức tối, mùa sau quy định lại là “ăn gốc, cho ngọn”. Người liền trở về trồng lúa như cũ. Vẫn thất bại, Quỷ đòi “lấy cả gốc lẫn ngọn”. Phật mách Người nên trồng ngô. Người làm theo và lại thắng (vì bắp ngô ở khoảng giữa thân cây). Uất ức, Quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất, không thuê Người trồng cấy gì nữa. Phật bảo Người thương lượng với Quỷ để mua một miếng đất chỉ bằng bóng chiếc áo cà sa.

Người sẽ trồng một cây tre, trên đó mắc áo cà sa, đất của Người là phần đất giới hạn bởi bóng áo ấy. Quỷ nghĩ chẳng đáng là bao nên đồng ý, và hai bên giao ước: đất trong bóng áo là của Người, ngoài bóng áo là của Quỷ.

Khi Người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời.

Tự nhiên đất trời trở nên âm u: bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất của chúng, chúng phải dắt nhau lùi mãi lùi mãi. Cuối cùng Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển.

Quỷ tập hợp lực lượng phản công hòng chiếm lại đất. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Biết quân của Quỷ sợ máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột nên Phật và Người sử dụng những thứ ấy làm vũ khí. Quỷ bị đại bại, bị Phật bắt, đày ra biển. Chúng van xin Phật, hàng năm, cho chúng vào thăm đất liền vài ba ngày. Phật thương tình, đồng ý.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán là ngày Quỷ vào thăm đất liền, thì người ta theo tục trồng nêu để cho Quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

Trên ngọn cây nêu, Người ta treo khánh đất nung để mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn Quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ.

Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.

Thường là 23 tháng Chạp, người ta dựng cây nêu - gọi là thượng nêu. Người ta dựng nêu với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa (đêm trừ tịch), vắng mặt ông Táo, ma quỷ sẽ nhân cơ hội này mà lẻn về quấy nhiễu dân chúng, thế nên người ta phải dựng nêu làm “bùa hộ mệnh” để an tâm ăn Tết. Ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng âm lịch) là ngày làm lễ hạ cây nêu xuống - gọi là hạ nêu.

Bảo An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính