Những ngày qua, dư luận xã hội nói chung, người làm trong ngành giáo dục nói riêng vô cùng quan tâm đến Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều mức phạt hành chính cụ thể đối với từng hành vi không chuẩn mực của người dạy và người học đã được đề cập trong dự thảo.
Điều đáng nói, đứng trước mức xử phạt từ 10 - 30 triệu đồng hoặc đình chỉ giảng dạy, hầu hết đều cho rằng đó là quy định hà khắc, cứng nhắc cho những người đang đứng trên bục giảng.
Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội đã chia sẻ, việc Luật hoá để ngăn chặn tiêu cực trong nhà trường không sai.
"Tư tưởng “yêu cho roi cho vọt” cũng đã lạc hậu. Ta không thể dùng hình phạt roi vọt để thay đổi con người. Về mặt nhân văn, nếu giáo viên không thương yêu, tôn trọng học sinh thì không bao giờ giáo dục được.
Ta đừng lấy cái đó để biện hộ cho sự nóng tính, vội vàng, thiếu năng lực sư phạm của các nhà giáo. Ta phải kiên quyết giữ kỷ cương của nhà trường, đạo đức của nhà giáo. Thầy cô phải có kĩ năng sư phạm để giáo dục các em”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, trong nhà trường, yếu tố giáo dục luôn là yếu tố hàng đầu. Nếu vô tình hình sự hoá, biến nhà trường thành “toà án” sẽ mất đi tính giáo dục của ngành sư phạm.
Ông cho rằng, xã hội cũng rất nhiều tiêu cực, cần phải xử lý một cách công bằng chứ không thể coi nhà trường là “cái rốn” để xử lý tiêu cực được.
“Nguyên tắc của học trò là nếu chúng ta lùi thì nó lấn, lúc đó thầy cô sẽ bị mất hiệu lực giáo dục, uy của nhà trường. Thực sự nếu thầy cô có lỗi thì phải nhận với học trò nhưng phải yêu cầu học sinh tuân thủ nội quy của nhà trường, chứ không phải học sinh đóng tiền học vào trường thì muốn làm gì thì làm.
Ta phải giữ gìn danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Hãy làm cho nhân cách của nhà giáo lớn lên. Nếu trường nào chỉ cốt giữ học trò mà không giữ được người thầy thì cũng khó giáo dục con em tốt được”, TS Lâm nhận định.
H.NBạn đang xem bài viết 'Không phải học sinh đóng tiền vào trường học rồi thì muốn làm gì thì làm' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].