Theo Globocan (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu), ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ với hơn 160000 ca mắc mới mỗi năm, nam giới với gần 50000 ca mỗi năm đứng thứ 20. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao trên thế giới.
Việc nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp càng sớm sẽ giúp ích cho việc điều trị kịp thời và tỷ lệ trị khỏi hoàn toàn cao hơn.
Theo các bác sĩ BV Bãi Cháy, ung thư tuyến giáp có thể xuất hiện từ từ, tăng dần, triệu chứng của ung thư tuyến giáp bao gồm:
Các triệu chứng sớm của ung thư tuyến giáp
- Xuất hiện khối u ở cổ: có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu này do tuyến giáp nằm ở phía trước vùng cổ. Khối u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Có hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Các triệu chứng muộn của ung thư tuyến giáp
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khàn tiếng, có thể khó thở do khối u to dần lên chèn ép vào thanh quản, khí quản
- Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép vào thực quản
- Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
- Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
Hiện, nhiều bệnh viện đã triển khai các gói khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp với các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm vùng cổ, chụp X – Quang, CT scan và MRI vùng cổ, chẩn đoán tế bào học (chọc hút kim nhỏ)…
Từ đó, giúp xác định khối u ở cổ được phát sinh từ tuyến giáp hoặc một cấu trúc lân cận. Cùng với đó, giúp phân tích sự xuất hiện của các nhân giáp và xác định xem chúng là những nốt lành tính hay ác tính.
Bên cạnh đó, sẽ tìm thêm nếu có những nốt khác ở tuyến giáp với những bệnh nhân có u hoặc nốt sần ở tuyến giáp được nhìn thấy, cảm nhận thấy khi khám lâm sàng.
Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng còn giúp người bệnh theo dõi xem u tuyến giáp có phát triển theo thời gian hay không.
An AnBạn đang xem bài viết Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp không nên bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].