1. Chuẩn bị thức ăn, nước uống
Nếu bão mạnh, bạn có thể khó khăn trong việc di chuyển, thậm chí các chợ, siêu thị cũng phải đóng cửa. Vì vậy hãy chuẩn bị lượng thức ăn tối thiểu cho gia đình trong 3 - 5 ngày nếu bạn ở trong vùng ảnh hưởng của bão.
Có thể xảy ra mất điện trong thời gian bão, do đó bạn nên ưu tiên chọn các loại rau, củ không phải trữ trong tủ lạnh. Thịt, cá cũng nên chuẩn bị sơ chế trước để có thể sử dụng được ngay cả khi tủ lạnh bị mất điện.
Một vài thức ăn đóng hộp, mì tôm cần chuẩn bị để sẵn sàng sử dụng trong suốt mùa mưa bão.
Nước có thể bị cắt, do đó nên trữ nước vào các thùng phuy, xô, chậu ở mức tối đa có thể.
2. Chuẩn bị các vấn đề liên quan đến điện
Nếu có máy phát điện, hãy mua xăng đổ đầy vào máy. Sạc các loại đèn pin, ắc quy để đề phòng sự cố cắt điện.
Sạc pin điện thoại là việc cần thiết.
Bạn nên bật tủ lạnh ở mức lạnh nhất. Điều này giúp cho các sản phẩm cần giữ lạnh sẽ lâu bị hỏng hơn trong trường hợp bị mất điện.
3. Chuẩn bị về y tế
Các loại thuốc kê đơn cần được chuẩn bị sẵn, nếu bạn bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp…
Các thuốc cần thiết như thuốc tiêu chảy, dầu gió, bông băng, cồn,… cũng cần được chuẩn bị.
4. Chặt gọn cây cối, bụi rậm xung quanh nhà
Cây cối và bụi rậm quanh nhà cần được chặt gọn để không cản gió. Việc làm này giúp nâng cao khả năng chống chịu của cây trong cơn bão và hạn chế khả năng cây có thể bị bật gốc, đổ vào nhà rất nguy hiểm.
5. Bảo vệ cửa kính
Nếu nhà bạn có một số cửa chớp, cửa kính không an toàn, hãy dùng ván gỗ đóng đinh bắt chéo qua các ô cửa này. Một cơn bão nhẹ cũng có thể ném nhiều vật liệu cứng vào các ô cửa này, gây vỡ kính và tai nạn cho những người trong nhà.
6. Loại bỏ những thứ lỏng lẻo bên ngoài ngôi nhà
Hãy cất những biển hiệu, đồ trang trí, mái hiên… hay bất cứ thứ gì khác gió có thể thổi bay ở bên ngoài ngôi nhà. Những thứ này có thể bị thổi tạt vào nhà bạn, làm vỡ cửa kính và gây thương tích cho người nhà.
Các đồ không được chằng buộc an toàn cũng có thể bị gió cuốn bay ra đường, gây tai nạn cho xe và người đi bộ.
7. Chuẩn bị về tiền mặt, bảo vệ các giấy tờ quan trọng
Khu vực của bạn có thể bị mất điện khi bão đến, do đó cây ATM và ngân hàng không thể hoạt động. Hãy rút một số tiền vừa đủ cho chi dùng trong vài ngày trước khi bão đến.
Đề phòng trường hợp nhà bị ngập, hãy cho tất cả giấy tờ quan trọng vào hộp nhựa, bọc nilon kín.
8. Cập nhật thông tin thời tiết
Theo dõi thông tin mới nhất về thời tiết qua TV, đài, mạng Internet. Tình hình thời tiết có thể diễn biến rất nhanh chóng, vì vậy hãy đảm bảo cập nhật thông tin thường xuyên.
9. Xem xét kế hoạch sơ tán
Nếu ở trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão, chính quyền địa phương yêu cầu sơ tán – bạn hãy chấp hành. Thời điểm sơ tán, sơ tán đến đâu cần phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Cập nhật tin bão số 10
Cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri đang được cảnh báo là cơn bão mạnh hiếm thấy trong lịch sử, có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo ngày 15/9 báo sẽ tiệm cận vùng biển Việt Nam. Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Bộ - từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này.
Những việc tuyệt đối không làm khi trời đang mưa bão
1. Không trèo lên để chằng, buộc mái nhà: Cần chủ động chuẩn bị trước khi bão đến các điều kiện đảm bảo an toàn cho nơi ở. Nếu chưa chuẩn bị, không nên trèo lên che chắn, chằng buộc mái nhà khi trời đang mưa bão mà tốt nhất nên sơ tán gia đình đến nơi an toàn.
2. Không đi ra đường: Khi trời mưa bão việc đi lại trên đường hết sức nguy hiểm do đường có thể bị ngập, các hố ga mất nắp bị nước che khuất trở thành ‘bẫy’ cho người đi đường. Biển quảng cáo và dây điện bị đổ, đứt do gió to có thể gây tai nạn.
3. Để phòng chống đuối nước cần lưu ý: không đi qua các khu vực ngập nước, nước chảy xiết. Trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết).
4. Không trú mưa dưới gốc cây to: Gốc cây to thường bị sét đánh, nhiều cây lốc rễ gẫy đổ sẽ gây nguy hiểm.
5. Không mang theo các đồ dùng bằng sắt: vật liệu sắt hấp thụ điện nên việc này sẽ khiến bạn bị sét đánh.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Những kỹ năng giúp sống sót và an toàn buộc phải ghi nhớ trong mùa mưa bão tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].