Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với việc quản lý gia đình, đưa những nhân tố mới vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, coi gia đình văn hóa là một trong những động lực quan trọng quyết định thành công của sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, không đưa những tiêu chí chung chung mà cần đưa những tiêu chí cụ thể, dễ hiểu. Chẳng hạn như tiêu chí hạnh phúc. Quan niệm thế nào là hạnh phúc thì rất khác nhau, nó phụ thuộc vào trình độ nhận thức của từng người. Vì vậy chúng ta phải đưa ra một khung chung. Đó là :
- Các gia đình tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả các thành viên, không phân biệt con trai hay con gái, vợ hay chồng. Trước hết phải giáo dục lý tưởng sống cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, sống để làm gì? Sống có ích cho gia đình và xã hội. Phát huy tư tưởng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ theo nôi dung mới là tu dưỡng bản thân, quản trị gia đình, tham gia việc nước, việc xã hội, phấn đấu là công dân tốt và có ý thức hòa hợp với thế giới (toàn cầu hóa).
- Gia đình tôn trọng và thực hiện những giá trị truyền thống là: cha mẹ nhân từ , con cái hiếu thảo, anh em như chân tay, vợ chồng hòa thuận, chung thủy, không có bạo lực gia đình. Giáo dục cho cả hai giới về các đức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ,Tín, Công Dung, Ngôn, Hạnh theo quan niệm hiện đại. Những chuẩn mực này không quá khuôn phép cứng nhắc như thời cổ nhưng phải được khai thác cốt lõi hợp lý của nó. Đó là lòng nhân từ, sống tình nghĩa, sống có văn hóa, lễ nghĩa, học tập nâng cao kiến thức, đề cao chữ tín trong ứng xử, giỏi việc nhà, giữ gìn dung nhan đẹp đẽ cả hình thức lẫn tâm hồn, nói năng có giáo dục, co văn hóa và giữ gìn phẩm hạnh trong sáng.
- Gia đình thực hiện những chuẩn mực hiện đại. Đó là bình đẳng giới. Mọi người tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ việc nhà tùy theo sức và hoàn cảnh của mình. Đó là tôn trọng quyền cá nhân hợp pháp và chính đáng của các thành viên, xóa bỏ chế độ gia trưởng. Gia đình quan tâm, tạo điều kiện cho các thành viên được học tập. Xây dựng không khí gia đình ấm cúng, tràn đày tình thương yêu và các ứng xử văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội.
- Công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải được tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân.
- Cần có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đầu tư cho các cán bộ trực tiếp làm công tác này cả về kiến thức và kỹ năng về gia đình văn hóa.Thường xuyên tổng kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa để rút kinh nghiệm kịp thời.
Thứ hai, tiếp tục truyền thông sâu rộng cho người dân hiểu về kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với những tư tưởng tiên tiên tiến của thời đại. Từng người, từng gia đình vẫn giữ “nếp nhà”, gia phong, gia giáo, gia lễ để Hà Nội mãi mãi là dải đất ngàn năm thanh lịch. Đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho các thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước và đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.
Theo Gia đình Thăng Long - Hà Nội - GS Lê Thị QuýBạn đang xem bài viết Những giải pháp để gia đình Hà Nội phát triển hoàn hảo tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].