Giữ gìn cốt cách thanh lịch, đề cao tình yêu thương
Theo GS Lê Thị Quý – Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, khi nói và viết về gia đình Thăng Long Hà Nội, điểm quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất chính là việc phải tìm ra được trong đó cái gì là những đặc trưng cơ bản nhất và những yếu tố nào tác động tới sự hình thành, tồn tại và phát triển của những đặc trưng này.
Rõ ràng là những đặc trưng của gia đình Thăng Long-Hà Nội vừa có cái chung vừa có cái khác biệt với gia đình Việt Nam. Nó cũng luôn biến đổi cùng với không gian tự nhiên và xã hội của mảnh đất Thăng Long Hà Nội. Chính điều đó buộc chúng ta khi nghiên cứu phải nhận diện được một cách đúng đắn những gì là giá trị căn bản, ít biến đổi, những gì cần được gìn giữ và kế thừa, những gì cần được khắc phục để gia đình Thăng Long-Hà Nội tiếp tục ổn định và phát triển.
Người Việt xưa thường nói rằng “đất lành chim đậu”, người Hà Nội cũng “đậu” hàng ngàn năm trên đất lành Hà Nội. Họ và gia đình họ cũng chính là sản phẩm của mảnh đất này. Trong họ mang đầy đủ tính cách tự nhiên của thiên nhiên sông hồ, cây cỏ, nắng gió của vùng đất này.
Còn tính cách “thanh lịch” của con người và gia đình Thăng Long Hà Nội là do đã chịu ảnh hưởng từ khung cảnh bình dị, xanh tươi, thơ mộng mà đằm thắm của đồng lúa, hồ nước, cây xanh nơi đây. Thêm nữa, người Việt Nam, trong đó có người Hà Nội có truyền thống sống hài hòa với tự nhiên.
Như vậy có thể nói, cảnh quan thiên nhiên, đất đai, non nước, cây cối, cỏ hoa, khí hậu đặc thù Thăng Long Hà Nội đã tạo nên không chỉ hào khí Thăng Long Hà Nội và con người mà còn cả những đặc trưng của gia đình Hà Nội.
Thực tế cho thấy, đô thị cổ Thăng Long - Hà Nội từ xưa đã là đô thị của gia đình, tạo mọi điều kiện cho các gia đình sinh hoạt thuận tiện, mang dáng dấp của một đô thị tự nhiên sinh thái mà hiện nay các đô thị lớn trên thế giới và cả Hà Nội đang muốn hướng tới.
Cư dân Hà Nội hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như thế nào thì họ cũng hòa đồng với các thành viên trong gia đình như vậy. Ban đầu là tình yêu trai gái rồi tình cảm gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng xuất hiện sâu đậm cùng với những sự lãng mạn của thiên nhiên nói trên.
Chính vì vậy, có thể nói phong thái giao tiếp trong gia đình của người Hà Nội cũng chính là phong thái mà họ ứng xử với thiên nhiên, phong thái “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Chính thiên nhiên hài hoà đã dạy cho người Thăng Long Hà Nội sự hài hòa và tính tế trong giao tiếp, ứng xử gia đình. Đó là việc đề cao tình yêu thương, sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau. Ứng xử trong gia đình Hà Nội không chỉ đúng mực, tình nghĩa mà còn phải đẹp. Giáo dục gia đình, bên cạnh việc truyền dạy cách thức gìn giữ mối quan hệ đầy cảm xúc với thiên nhiên, với những người thân còn là nếp ăn, nếp ở, phong cách, cử chỉ sao cho thanh cao, nhã nhặn, có văn hóa.
Chính sự tinh tế từ cảm xúc, sự thuần khiết và lãng mạn trong trong cách nhìn nhận cuộc đời, sự trong sáng trong những tình cảm chân thực giữa con người với thiên nhiên, con người với con người đã dẫn các chàng trai cô gái đến với nhau, rồi lại đưa tất cả vào không gian sống gần gũi nhất của mình, đó là không gian của hạnh phúc gia đình, tạo nên những đặc trưng của gia đình Thăng Long-Hà Nội.
Gia đình Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm của những sự tiếp biến văn hóa chốn đô thành
Nói đến những đặc trưng của gia đình Thăng Long Hà Nội, chúng ta không thể không phân tích những ảnh hưởng từ môi trường sống của một kinh đô, đô hội đã tồn tại hàng nghìn năm.
Với tính chất là một kinh đô, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong lịch sử của mình, Hà Nội vừa tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các vùng đất xung quanh vừa tạo dựng nên những phẩm chất ưu tú của riêng mình. Các đặc trưng về văn hóa gia đình của Thăng Long Hà Nội cũng như vậy.
Tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ. Thăng Long bách nghệ, Thăng Long văn minh là còn nhờ ở sự góp sức của người dân tứ phương. Họ còn là đại diện cho con người của toàn quốc. Văn hóa, lối sống nhân cách của con người và gia đình Thăng Long - Hà Nội là văn hóa, lối sống nhân cách, biểu trưng cho những điều tốt đẹp của nhiều vùng khác. Về điểm này, những nghiên cứu về Thăng Long Hà Nội đã cho thấy bản thân văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong đó có văn hóa gia đình không phải là sự phản ánh lại những đặc điểm chung trong cuộc sống, lao động sinh hoạt của cả một vùng Thăng Long mà chính là tinh hoa của văn minh chung của người Việt.
Văn hóa gia đình Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội cũng như vậy, một mặt nó là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa gia đình của các vùng khác, nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.
Nếp sống gia đình của người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được tinh hoa của sự thanh lịch từ rất nhiều hướng và hun đúc thành cái thanh lịch của riêng mình.
Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo cũng khiến cho văn hóa gia đình Thăng Long Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa gia đình chung. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước Thăng Long-Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những phẩm chất con người tốt đẹp
Khác với nhiều khu vực làng xã khép kín của người Việt Nam xưa, là chốn kinh kỳ đô hội, mảnh đất Thăng Long Hà Nội luôn một có một không gian văn hóa mở, với rất nhiều những mối quan hệ giao tiếp, sản xuất, buôn bán, hội hè. Chính điều đó đã khiến cho các gia đình Thăng Long Hà Nội chú ý nhiều hơn tới các chuẩn mực văn hóa giao tiếp, việc truyền dạy cho con cái cách thức ứng xử với xã hội. Nguyên tắc cao nhất trong cách giao tiếp ứng xử ấy là sự thanh cao và lịch lãm.
Người Thăng Long - Hà Nội xưa đã không bị ép mình quá nhiều vào những đòi hỏi của khuôn phép Nho giáo. Họ đã sống khá tự do, thoải mái, trai thanh nữ tú đến với nhau, có tình cảm với nhau hồn nhiên, cái hồn nhiên trong sáng đó được đưa vào gia đình, tạo ra những tình cảm gia đình đặc biệt, đi cùng với họ trong suốt cuộc đời.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rõ gia đình Thăng Long - Hà Nội từ bao đời nay đã là hình ảnh thu nhỏ của gia đình Việt Nam, mang trong mình tất cả những đặc điểm chung của gia đình Việt Nam và mang cả những nét độc đáo của gia đình Thăng Long - Hà Nội.
Trong nấc thang giá trị xã hội và gia đình ở Thăng Long - Hà Nội, những chuẩn mực về tình thương yêu, đức hy sinh, sự thủy chung luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Nhờ quan điểm sống ấy, mà người Thăng Long Hà Nội đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào những sự phát triển của tính vị kỷ, tạo ra được một sức mạnh chung để gắn kết gia đình và cộng đồng.
Theo Gia đình Thăng Long Hà Nội - GS Lê Thị QuýBạn đang xem bài viết Những nét đặc trưng của gia đình Thăng Long - Hà Nội tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].