Theo GS Lê Thị Quý – Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, mặc dù xã hội biến đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp nhưng vị trí, vai trò của gia đình không thay đổi thậm chí ngày càng quan trọng hơn bởi nhận thức của con người về gia đình ngày càng cao hơn.
Gia đình là thiết chế xã hội đặc thù không thể thiếu được trong cơ chế xã hội và trong đời sống con người. Nó vận hành cùng với những thiết chế xã hội khác. Con người sẽ vận dụng khả năng và trí tuệ của mình để bảo vệ và xây dựng gia đình theo hướng hiện đại, xoá bỏ dần những hủ tục, xây dựng các chuẩn mực mới ngày càng thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của con người.
Lối sống công nghiệp cho phép con người tự chủ, năng động hơn trong sản xuất, kinh doanh và họ cũng tự chủ hơn trong gia đình. Mức độ phụ thuộc giữa những thành viên trong gia đình sẽ ít đi. Quyền của các cá nhân thành viên ngày càng cao sẽ làm giảm bớt uy quyền của người gia trưởng, tạo ra tính tự quyết trong hôn nhân, sinh đẻ con cái và các vấn đề quan trọng khác của các thành viên.
Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến gia đình, có nhiều chính sách thiết thực tại điều kiện cho gia đình phát triển và đáp ứng các nhu cầu của các thành viên. Lao động việc nhà được chia xẻ giữa của các thành viên trong gia đình và được Nhà nước công nhận như một dạng lao động xã hội và trong tương lai, nhà nước sẽ có chính sách trả công cho người nội trợ vì đóng góp cho gia đình chính là đóng góp cho xã hội. Chính các chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các thành viên được bình đẳng và có cơ hội phát triển như nhau. Dịch vụ xã hội, máy móc tiện nghi phát triển sẽ làm cho các gia đình bớt gánh nặng việc nhà và có nhiều thời gian rảnh để sinh hoạt văn hóa, giải trí, thể thao.
Mô hình của gia đình sẽ là kết hợp các yếu tố truyền thống: cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo với quan điểm hiện đại: bình đẳng giới, nâng cao quyền cá nhân của các thành viên. Các thủ tục kết hôn sẽ bớt rườm rà để phù hợp với lối sống công nghiệp. Gia đình sẽ xây dựng trên cơ sở tình yêu thương tôn trọng lẫn nhau mà không phải vì các điều kiện về tiền bạc, danh vị và những quan điểm lạc hậu khác. Các chức năng gia đình sẽ phát triển tích cực để phù hợp với xã hội mới.
Những yếu tố tâm linh trong kết hôn như xem tuổi, hình dáng, hoàn cảnh gia đình sẽ bớt dần do kiến thức của con người ngày càng cao sẽ giúp họ tự chủ, tự tin hơn. Họ sẽ hiểu rằng: hạnh phúc là do chính họ tạo ra mà không phải từ một đấng siêu nhiên nào khác. Hà Nội là thủ đô của cả nước, là nơi tiếp nhận các thông tin nhiều và mới nhất vì vậy nhận thức của người Hà Nội sẽ cao hơn các nơi khác. Cũng nhờ kiến thức, bạo lực gia đình sẽ giảm bớt tiến tới chấm dứt.
Trong gia đình Hà Nội tương lai, chức năng tâm lý tình cảm của gia đình vẫn còn nguyên giá trị trong lòng các cá nhân. Khi gặp khó khăn, đau buồn, người ta vẫn có xu thế dựa vào những người thân trong gia đình, dù chỉ là một lời khuyên hoặc sự giúp đỡ nhỏ bé. Lòng tin vào những người thân yêu vẫn cao hơn đối với người ngoài và khi những người thân yêu đau ốm, gặp khó khăn hoặc chết vẫn làm người ta đau xót hơn. Trong tương lai, chức năng tinh thần, tình cảm của gia đình sẽ rất hữu hiệu trong việc phối hợp với chính quyền, bác sỹ tâm lý và nhân viên công tác xã hội để giáo dục tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên. Nếu được tuyên truyền tốt, chức năng này sẽ góp phần làm giảm các tội ác trong xã hội.
Những tác động của điều kiện kinh tế xã hội ngày càng to lớn tới việc hình thành và biến đổi hệ giá trị mới về văn hóa gia đình, định hướng giá trị về gia đình. Những chuẩn mực mới về quyền cá nhân, quyền trẻ em, bình đẳng giới sẽ càng được tôn trọng. Trong xã hội hiện đại, hôn nhân vẫn còn giá trị cao, tình yêu vẫn là cơ sở chính của hôn nhân. Cha mẹ sẽ gần gũi, tôn trọng con cái hơn trong xu thế không chỉ sinh thành và nuôi dưỡng chúng mà còn là người bạn lớn của chúng.
Ly hôn nhiều và nhẹ nhàng hơn. Con người dần xử sự với nhau sau ly hôn có văn hoá, làm giảm thiểu hậu quả nặng nề của ly hôn, đặc biệt là đối với con cái. Trong gia đình các chuẩn mực về hiếu thảo và trinh tiết có thay đổi. Việc cô gái có thai trước khi kết hôn là chuyện bình thường không quá nặng nề như trước.
Tuy nhiên, giá trị của đồng tiền trong hôn nhân sẽ rất quan trọng đối với nhiều gia đình. Nó sẽ là cơ sở chi phối nhiều cuộc hôn nhân nhưng nó sẽ được coi là phương tiện sống và xây dựng hạnh phúc chứ không phải mục đích sống. Tương lai những nội dung và hình thức sinh hoạt, những cảm thụ và sáng tạo văn hóa trong gia đình cũng sẽ thay đổi.
Gia đình sẽ là một đơn vị văn hóa, nơi các thành viên không chỉ trao đổi với nhau về công việc, bếp núc mà còn trao đổi về các vấn đề chính trị, thời sự, tin học, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, thể thao…Sự hiểu biết của các thành viên gia đình nhờ thế sẽ sâu rộng hơn. Các chuẩn mực văn hóa mới sẽ hình thành trên cơ sở những hiểu biết cao về văn hóa của các thành viên gia đình.
Xung đột giữa văn hóa cá nhân và văn hóa tập thể trong gia đình và cách giải quyết xung đột sẽ dựa trên nền tảng kiến thức, đạo đức, luật pháp.
Theo Gia đình Thăng Long - Hà Nội - GS Lê Thị QuýBạn đang xem bài viết Dự báo về sự phát triển của gia đình Hà Nội tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].