Báo Gia đình mới xin trích đăng ý kiến của Nhà báo –Facebooker Trương Anh Ngọc, nhìn nhận về một góc độ khác của vấn đề: Bạn rất yêu chó của bạn, nhưng hãy biết quan tâm đến những người xung quanh
Nuôi thú cưng cũng cần có văn hóa
Mình rất hay xem chương trình dạy chó của Cesar Millan trên kênh National Geographic.
Đấy là một chương trình thực sự đặc biệt, không phải chỉ vì cách Millan thuần phục những con chó khó tính, mà còn vì cách mà ông giúp cho những người chủ chó tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với chó và giúp nó hòa nhập tốt với cuộc sống xung quanh.
Những chuyên gia như thế ở mình, trong một cuộc sống hỗn độn kiểu mình, đặc biệt là ở một hoàn cảnh mà sự tôn trọng lẫn nhau là những điều hết sức xa xỉ, là vô cùng hiếm.
Ở các nước văn minh, người ta nuôi chó bởi vì muốn chúng làm bạn và vì cũng muốn chúng giao lưu với thế giới bên ngoài, hòa nhập vào cuộc sống của mình, mà họ phải tuân thủ rất nhiều điều khác nhau. Vi phạm những quy định là phải trả giá ngay, trong đó có việc bị tước quyền nuôi thú cưng.
Người ta chỉ có thể đưa chó ra bên ngoài một khi con chó đã được thuần và không sủa, không có thái độ đe dọa hoặc bạo lực với bất cứ ai, bất cứ con chó khác nào.
Nếu nó chưa được thuần, nó bị buộc phải đeo rọ mõm để thú tính không bùng nổ theo bản năng. Điều đặc biệt quan trọng, chúng không được đi một mình.
Những con chó chạy rong và được chứng minh là vô chủ có thể bị nhà chức trách bắt đi và hoặc có thể bị thiêu hủy (nếu được xác định có mang mầm bệnh), hoặc sẽ được đưa vào trung tâm thú lạc, để sau đó sẽ được người yêu động vật đến nhận nuôi.
Đấy là lí do tại sao những chú chó chạy ở bên ngoài dù hiếu động đến mấy cũng không bao giờ dám đến gần một ai khác ngoài chủ nó, hoặc người nó quen.
Người ta có thể kiện những người chủ chó nếu họ cảm thấy con chó làm ảnh hưởng đến họ, khiến họ sợ hoặc cảm thấy bị đe dọa. Người ta cũng có thể kiện người chủ chó nào đó nếu cảm thấy con chó bị ngược đãi.
Mấy năm trước ở Ý, một người chủ chó đã bị kiện ra tòa không phải vì người đó đã để quên con chó ngoài sân dưới trời lạnh trong 3 ngày, khiến nó sủa ầm ỹ làm hàng xóm mất ngủ, mà vì ngược đãi động vật.
Trẻ em Tây không sợ chó, nhưng ở mình thì rất nhiều đứa sợ, bởi ở nước ta, một nền 'văn hóa thú cưng' chưa tồn tại.
Nhân đạo với thú cưng nhưng đừng quên bảo vệ con người!
Tình yêu động vật của người Phương Tây thực ra không tự nhiên mà có. Họ yêu và bảo vệ chúng, cũng là bởi vì họ yêu và bảo vệ chính con người. Chuyện này nghe ra có vẻ to tát ở ta, nhưng đúng ra là phải thế.
Người ta không thèm quan tâm đến những con chó chạy rông ngoài đường vì thấy rằng chẳng cần phải làm thế. Người ta đem chó ra đường giống như đi triển lãm thú cưng cho làng nước xem.
Rất nhiều những vụ chó cắn xé nhau hoặc tấn công người giữa thanh thiên bạch nhật ở Hà Nội khiến cho mình bàng hoàng về sự vô tâm, vô trách nhiệm và tàn nhẫn của những người chủ chó.
Bạn rất yêu chó của bạn, nhưng bạn không quan tâm đến những phiền toái và mối đe dọa mà chó của bạn có thể gây ra cho hàng xóm, cho người đi đường, đơn giản, bởi những điều nhỏ nhất về tôn trọng người khác bạn không hề có.
Bạn cho rằng, việc người ta bắt đầu đưa ra quy định về việc chó ra đường phải đeo rọ mõm và những con chó chạy rong có thể bị bắt và thiêu hủy là quá đáng, là không cần thiết. Nhưng bạn hãy nghĩ đến những người khác và mối đe dọa từ chó có thể gây ra.
Mình cũng yêu động vật, nhưng mình ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ nhằm đem lại an toàn trên đường phố, trong các con ngõ cho mình, cho nhiều người khác, khỏi những con chó vô chủ hoặc có chủ mà như không.
Những biện pháp ấy cũng là cách để những người nuôi chó quan tâm hơn đến những người sống xung quanh họ mà thôi...
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Nhà báo Anh Ngọc: Nhìn kiểu chăm thú cưng của phương Tây, nghĩ về cách thả rông chó ở Việt Nam tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].