Bộ Y tế vừa tổ chức lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.
70% số tử vong trên toàn cầu có liên quan đến dinh dưỡng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, việc thay đổi lối sống và bữa ăn mất cân đối ở nhiều hộ gia đình làm gia tăng gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Cụ thể, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao. Năm 2015, con số này vẫn nằm ở mức gần 25% và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng miền.
Ngoài ra, chuyện thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn là tồn tại khó có thể giải quyết. Tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn cao, thiếu máu chiếm khoảng 27,8% và thiếu kẽm lên tới 69,4%. Ngoài trẻ nhỏ, phụ nữ có thai cũng là đối tượng đang thiếu hụt vi chất dinh dưỡng với tỉ lệ thiếu máu ở đối tượng này là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%.
“Trong khi đó, chăm sóc dinh dưỡng giai đoạn 1000 ngày đầu đời, tiền dậy thì và dậy thì có vai trò quyết định đến sự phát triển tầm vóc, thể lực và chất lượng cuộc sống của người dân. Vô hình chung, tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Ngoài thiếu cân, thiếu chất, trong dinh dưỡng, nước ta vướng phải tình trạng thừa cân, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các thành phố lớn. Những yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm.
Theo Bộ Y tế, ứớc tính năm 2013 có 70% số tử vong trên toàn cầu có liên quan đến dinh dưỡng trong đó 11,3 triệu ca tử vong liên quan đến chế độ ăn.
Đối với Việt Nam, năm 2015 tỉ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em trên toàn quốc là 5,3%, đặc biệt tỉ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các thành phố lớn gia tăng một cách nhanh chóng.
“Hiện tại nước ta có khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực, hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ước tính Việt Nam hiện có tới 12 triệu người bị mắc tăng huyết áp và khoảng 3 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường và mỗi năm có trên 125.000 ca được phát hiện mắc ung thư”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm
Theo người đứng đầu ngành y, để xảy ra tình trạng trên, một phần do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng, chưa quan tâm đầu tư cho công tác này. Thể hiện rõ nhất là dinh dưỡng cho người dân chưa được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, bữa ăn học đường của trẻ em, học sinh, bữa ăn ca của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lượng và thành phần dinh dưỡng.
Hay như việc, nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu chỉ mới chỉ tập trung cho công tác pḥòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Người dân, đặc biệt là giới trẻ có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Thay đổi lối sống và bữa ăn mất cân đối ở nhiều hộ gia đình làm gia tăng gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa cân - béo phì và các bệnh không lây nhiễm”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Người Việt lười vận động, 1 nửa người lớn ăn thiếu rau và đang dùng quá nhiều muối tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].