Ngày 19/1 tại Hội nghị Triển khai công tác ngành y, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những đánh giá quan trọng về ngành, đồng thời đề ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2018.
Người đứng đầu ngành y tự hào vì đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 25,7% và 86,4% tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Riêng trong ngành, Bộ đã đạt 11/11 chỉ tiêu cơ bản.
Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ phấn đấu tiếp tục hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trên. Đặc biệt, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hội nhập.
Chỉ ra con số ‘14% dân số chưa tham gia BHYT và việc mở rộng với đối tượng này là rất khó khăn’, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đề ra nhiệm vụ ngành tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, hỗ trợ người cận nghèo, thu nhập trung bình.
Hạn chế của BHYT được chỉ ra là mệnh giá, khả năng cân đối quỹ, chia sẻ rủi ro còn thấp và vẫn còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ cận lâm sàng, điều trị nội trú. Hay như việc thông tuyến BHYT tạo điều kiện cho người dân nhưng cũng gây vượt tuyến.
Bên cạnh đó, mức chi cho trạm y tế xã chỉ dừng ở 3 – 5 % tổng mức chi BHYT. ‘Nhiều chuyên gia y tế đến Việt Nam đã bảo ‘Tại sao Việt Nam đã nghèo lại không thông minh?’, Bộ trưởng đặt câu hỏi và đưa ra giải pháp: ‘Chúng ta nên thông minh hơn, thay đổi tư duy, chi trả cho trạm y tế xã, bệnh viện huyện để giảm bớt chi phí, hạn chế tình trạng chuyển tuyến’.
Cùng với đó, Bộ sẽ đổi mới cơ chế tài chính y tế, tiếp tục trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2018, Bộ cũng tiến tới hoàn thiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất và tiếp tục thí điểm thanh toán theo trường hợp bệnh. Để hạn chế tình trạng vượt tuyến, ngành đề xuất các cơ chế về giá, tỉ lệ đồng chi trả để khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới.
Bộ trưởng Tiến khẳng định: ‘Không để lại ai phía sau vì không có chi phí khám chữa bệnh. Hướng tới mọi người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách công bằng, nâng cao sức khỏe để có chất lượng cuộc sống tốt. Để làm được điều đó, chỉ có cách tuyên truyền người dân tham gia BHYT’.
Năm 2018 Bộ Y tế tiếp tục coi trọng việc đấu thầu thuốc tập trung nhằm giảm mạnh chi phí thuốc và khắc phục tình trạng chênh lệch giá giữa các địa phương. Cụ thể, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đã góp phần giảm 17% chi phí thuốc chung.
Trong đó, thuốc biệt dược giảm 6,9%, thuốc generic giảm 33%. Chưa kể, nó còn bảo đảm công khai minh bạch.
Nhận thấy nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong các loại thuốc bản quyền giá cao sắp hết hạn, thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư, năm nay, Bộ vẫn giữ vững quan điểm đàm phán giá thuốc quốc gia và hướng tới đàm phán thuốc địa phương.
Ngoài thuốc, Bộ thí điểm đấu thầu, mở rộng danh mục trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Song song đó là việc tăng cường các biện pháp phát hiện, thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả và tăng cường phát triển công nghiệp dược, thiết bị trong nước.
Thừa nhận, trước thực tế vẫn còn nhiều bất cập về vấn đề thuốc không đơn, lạm dụng kháng sinh, Bộ Y tế sẽ kiên quyết thực hiện ‘cách mạng’ các hiệu thuốc tư nhân phải niêm yết công khai giá, bán thuốc theo đơn, nối công nghệ thông tin, camera với cấp quản lý.
‘Việc bán thuốc không kê đơn không chỉ khiến cho tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc mà còn khiến cho chi tiền túi của bệnh nhân cũng khó kiểm soát’, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Đánh giá ‘y tế cơ sở’ như chân kiềng vững chãi trong bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ trưởng Tiến nhìn nhận trạm y tế xã, mô hình phòng khám gia đình được coi là ‘sát và gần dân nhất’.
Trong khi đó, thực tế cho thấy chất lượng về chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh của các trạm y tế xã còn yếu, người dân chưa tin tưởng vượt tuyến không cần thiết.
Do vậy, năm 2018, Bộ tiếp tục triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế và nhân rộng ra các địa phương. Nhưng Bộ trưởng khẳng định: ‘Chúng ta không đầu tư dàn trải mà đầu tư phải ‘ra tấm ra món’ để sau này kể cả chúng ta có vấn đề gì cũng có thể ra ngay trạm y tế xã’.
Mặt khác, thúc đẩy mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại khu vực thành thị có điều kiện. Hai mô hình trên sẽ song song với việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe từng người dân. Từ đó góp phần đẩy mạnh quản lý các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế.
‘Trong tương lai, trạm y tế không chỉ khám ‘chay’ mà có thể xét nghiệm máu, siêu âm. Y tế xã cũng là nơi khám chữa bệnh ban đầu, theo dõi một số bệnh mãn tính. Những trạm gần bệnh viện vẫn giữ nguyên và làm công việc như nơi phòng bệnh và nâng cao sức khỏe’, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ – quá tải bệnh viện được Bộ Y tế đặt mục tiêu cho năm 2018: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, phấn đấu 100% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện.
Hiện đã có 37/39 bệnh viện trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong 24-48 giờ kể từ khi nhập viện.
‘Bộ mặt của nhiều bệnh viện đã khang trang xanh, sạch, đẹp, thái độ nhân viên y tế cũng tiến triển rõ rệt... Trong năm 2017, qua khảo sát trực tuyến với trên 1 triệu phiếu đã có 75% bệnh nhân nội trú và 66% bệnh nhân ngoại trú bỏ phiếu hài lòng về bệnh viện’.
Tôi biết nhiều bệnh viện, cán bộ nhân viên đã chào bệnh nhân vào buổi sáng, treo băng rôn. Ngành y đã nhận được 80% sự hài lòng của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế
Tuy nhiên, để ngành y thực sự khởi sắc, nhất là việc phục vụ người dân toàn diện, hài lòng hơn, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Ngành sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương; đa dạng các loại hình khám chữa bệnh, kết hợp giữa y tế phổ cập và chuyên sâu, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.