Ngành Y tế Hà Nội đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình hình tại tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đã ghi nhận trường hợp mắc và tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3174/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã.

Đồng thời, giám sát chặt tình hình dịch tại các cơ sở y tế được phân công, đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Hướng dẫn các đơn vị rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng.

Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo đúng lịch là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa

Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo đúng lịch là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các Trạm Y tế; yêu cầu các Trạm Y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.

Chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan.

Tổ chức rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng, tiêm bổ sung ngay đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng và tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối với các loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu; các Trung tâm Y tế tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, cần đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu bệnh bạch hầu; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra liên quan đến dịch bệnh bạch hầu.

Theo chuyên gia truyền nhiễm PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên.

Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.

Để phòng tránh bệnh bạch hầu, chuyên gia khuyến cáo các biện pháp sau:

- Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.

- Tiêm vắc-xin bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc-xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

- Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

- Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

An Nhiên

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính