3 ca mắc bạch hầu, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Chỉ trong vòng 1 tuần, tại Bắc Giang và Nghệ An đã ghi nhận 3 ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó một cô gái 18 tuổi đã tử vong. Bộ Y tế liên tục chỉ đạo CDC các tỉnh để khoanh vùng, cách ly nhằm ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng.

3 ca mắc bạch hầu ở Nghệ An và Bắc Giang

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nghệ An, ngày 5/7 Sở nhận được thông tin một trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn. Đó là nữ bệnh nhân P. T. C 18 tuổi (trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn).

Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân C., có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ. Từ ngày 30/6 - 4/7, bệnh nhân điều trị tại TTYT Kỳ Sơn và Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An, phát hiện dương tính với bạch hầu. Bệnh nhân tử vong ngày 5/7.

Ngày 8/7, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang phát hiện một trường hợp dương tính với bạch hầu. Bệnh nhân là M.T.B, nữ, 18 tuổi, tạm trú trên địa bàn thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; có địa chỉ thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bệnh nhân này tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C đã tử vong do bạch hầu trước đó ở Nghệ An.

Ngày 11/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang ghi nhận thêm một phụ nữ, dương tính với bạch hầu. Người này là B.H.G, 29 tuổi, trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, từng tiếp xúc gần với M.T.B trước đó. Kết quả xét nghiệm lần đầu của người này âm tính, xét nghiệm lần thứ hai dương tính với bệnh bạch hầu.

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C (Ảnh: CDC Nghệ An).

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C (Ảnh: CDC Nghệ An).

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn khoanh vùng, ngăn dịch

Trước tình hình bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp, ngày 8/7 và 10/7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế liên tiếp đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời ca bệnh. Các tỉnh cần triển khai biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần. 

Các sở y tế cũng được yêu cầu triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh; nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

"Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị", công văn nêu rõ.

Đồng thời, các đơn vị đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển ca mắc đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

"Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền cho nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt", Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Các địa phương thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vắc xin. Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh các đơn vị lưu ý những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh bạch hầu để người dân chủ động phòng bệnh. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, trẻ em, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bệnh bạch hầu là gì, lây qua đường nào?

Bác sĩ Phan Văn Mạnh (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Hà Nội) cho biết bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin. Ngay cả khi được điều trị, bệnh vẫn có tỷ lệ tử vong lên tới 5-10%.

Nguồn lây:

Nguồn lây bệnh là người nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm vi khuẩn lúc ho, hắt hơi.

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật có dịch mũi hầu từ người bệnh, tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Triệu chứng:

Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu; khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Sau khoảng 3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng điển hình nhất: sốt tăng 38-38,5 độ C, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ. Khi khám, bác sĩ thấy giả mạc ở họng lan tràn ở một bên hoặc hai bên amidan, có thể lan trùm cả lưỡi gà và màn hầu. Bệnh nhân có hạch vùng cổ sưng đau, phù nề, cổ bạnh là dấu hiệu nặng.

Giả mạc lan rộng có thể gây thở rít, tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, giả mạc hết nhanh (1-3 ngày), bệnh nhân hết sốt và hồi phục dần sau 2-3 tuần.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính