Mang thai ngoài ý muốn là điều không ai mong đợi, nhất là với trẻ vị thành niên đang trong thời gian học tập và các cặp vợ chồng chưa sẵn sàng cho việc có con.
Kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình tại Việt Nam năm 2017 cho thấy trung bình 9,1% phụ nữ ở Việt Nam đã từng mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 24,4% đã mang thai ngoài ý muốn hơn 1 lần.
Hai nguyên nhân phổ biến nhất và cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn:
Không sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại
Các biện pháp tránh thai hiện đại như: Đặt dụng cụ tử cung, bao cao su, triệt sản nam và nữ, thuốc tránh thai (gồm thuốc uống tránh thai hàng ngày - viên tránh thai khẩn cấp, thuốc tiêm và que cấy tránh thai) đều có tác dụng ngăn ngừa sự thụ tinh để phát triển thành thai nhi.
Theo thống kê năm 2017, có đến 35,6% phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai theo cách truyền thống như biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo, biện pháp tính vòng kinh, biện pháp cho bú vô kinh. Mặc dù vẫn đem lại hiệu quả, nhưng tỷ lệ rủi ro khi sử dụng các biện pháp này rất cao do phụ thuộc nhiều vào việc duy trì cho con bú, tính ổn định của chu kỳ kinh nguyệt và thiếu kiểm soát trong việc xuất tinh.
Sử dụng các biện pháp tránh thai sai cách:
Tỷ lệ sử dụng không liên tục các biện pháp tránh thai tạm thời trong vòng 12 tháng sử dụng như viên uống tránh thai, bao cao su hơn 2-3 lần so với tỷ lệ này với các biện pháp mang tính dài hạn như vòng tránh thai, que cấy tránh thai (21,0%). Chính việc không hiểu rõ cơ chế hoạt động và không duy trì liên tục sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại dẫn đến mang thai bất ngờ.
Người sử dụng nên kiểm tra kỹ bao cao su trước khi sử dụng. Với thuốc tránh thai khẩn cấp, uống càng gần thời điểm quan hệ tình dục, hiệu quả càng cao và chỉ nên uống hai lần trong một tháng. Với thuốc tránh thai hàng ngày chứa 2 nội tiết tố Oestrogen và Progesteron, nếu người dùng quên phải uống bù ngay khi nhớ ra và quên 4 viên thì nên thay sang vỉ thuốc mới.
Các biện pháp dài hạn hơn như tiêm tránh thai, cấy que tránh thai hoặc đặt vòng tránh thai cần được thực hiện tại các cơ sở y tế và kiểm tra lại theo thời gian chỉ định của bác sĩ.
Cách xử lý khi mang thai ngoài ý muốn
Tại Việt Nam, theo thống kê, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên và con số này đang ngày càng tăng. Đây là con số thống kê từ các cơ sở công lập, chưa kể đến các cơ sở nạo phá thai tư nhân.
Việc nạo, phá thai nên là giải pháp cuối cùng mà các cặp vợ chồng hoặc các bạn trẻ nghĩ đến. Khi mang thai ngoài ý muốn, các cặp đôi nên tìm hiểu kỹ thông tin và xem xét lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp. Có ba phương pháp nạo, phá thai để các bạn cân nhắc.
Phá thai dưới 12 tuần (phá thai ba tháng đầu)
Là phương pháp phá thai áp dụng cho thai phụ mang thai đến hết 12 tuần tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Có hai biện pháp loại bỏ thai nhi.
– Phá thai bằng thuốc: (phá thai nội khoa) là việc uống thuốc để đình chỉ thai nghén, nhanh chóng, đơn giản không phải can thiệp vào cổ tử cung. Tuy nhiên, phá thai bằng thuốc chỉ áp dụng cho thai đến hết 7 tuần (49 ngày). Chú ý tuyệt đối không tự ý mua thuốc và uống thuốc, cần thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ.
– Nạo, hút thai: là việc sử dụng các dụng cụ hút chân không để đình chỉ thai kỳ trong tử cung đối với thai từ tuần thứ 6 đến hết tuần thứ 12. Thủ thuật này yêu cầu được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn tại các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn.
Phá thai từ tuần 13 đến tuần 18 (phá thai ba tháng giữa)
Nong, gắp thai đối với thai từ tuần 13 đến tuần 18 là phương pháp sử dụng dụng cụ và thuốc để can thiệp vào cổ tử cung nhằm chấm dứt thai kỳ. Phương pháp này cũng yêu cầu được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo và đủ kỹ năng thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ các phương tiện y tế, phòng thủ thuật vô trùng và được cấp phép.
Dự án "Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt" tổ chức các buổi truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng “Cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản” đến gần 1200 lượt người lao động tại 05 KCN địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh. Nội dung truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng tránh thai an toàn bằng các phương pháp tránh thai hiện đại và nâng cao ý thức chăm sóc SKSS đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Đây là dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của tập đoàn TH và tổ chức DKT International Inc, - tổ chức từ thiện quốc tế hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe con người, thực hiện các chương trình tiếp thị và truyền thông xã hội về kế hoạch hoá gia đình.
PVBạn đang xem bài viết Mang thai ngoài ý muốn và các phương pháp phá thai tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].