Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Mâm cỗ ngày Tết cần chuẩn bị những gì và hướng dẫn lễ cúng ngày Tết đầy đủ nhất

Mâm cỗ ngày Tết gồm những món ăn nào, cần chuẩn bị ra sao, cách sửa lễ như thế nào? Mời bạn tham khảo cách làm mâm cỗ cúng trong những ngày Tết Kỷ Hợi sau.

Mâm cỗ ngày Tết và nghi lễ cúng bái ngày Tết

Trong một năm, người Việt có rất nhều ngày lễ tết khác nhau. Mỗi một vùng miền lại có những lễ tết đặc trưng riêng. Nhưng Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Ta) là quan trọng và ý nghĩa hơn cả.

Theo tục lệ truyền thống, Tết Nguyên Đán được tính từ ngày 23 tháng Chạp (ngày Tết Ông Công Ông Táo) đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch.

Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán không chỉ nằm ở sự gắn kết trong cộng đồng và gia đình mà đó còn là dịp để hướng về cội nguồn, là ngày để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn đến tổ tiên, dòng họ.

Vì vậy, việc sắm lễ thắp hương, chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết dâng lên tổ tiên và các vị thần linh cũng được người Việt đặc biệt coi trọng.

Mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc

  Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội thể hiện rõ sự tinh tế và tỉ mỉ.

Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội thể hiện rõ sự tinh tế và tỉ mỉ.

Ẩm thực của người Hà Nội rất phong phú và đa dạng nên không có gì ngạc nhiên họ dồn nhiều tâm sức và sự sáng tạo vào những món ăn ngày Tết.

Người Hà Nội bày mâm cỗ ngày Tết theo quy tắc “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa).

Trong mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Hà Nội nói riêng và của người miền Bắc, luôn luôn có những món đặc trưng như: bánh chưng, dưa hành, xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh, gà luộc, nem rán, giò chả, món xào, món nộm và canh măng, canh bóng hoặc canh miến.

Đặc biệt, món thịt đông giòn ngon được làm rất cầu kỳ từ tai lợn, thịt chân giò, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô được coi là món ăn mà chỉ có mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc mới có.

Ấn tượng về mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội luôn là màu sắc đẹp mắt, món ăn phong phú gồm món xào, món luộc, món canh.

Người Hà Nội còn thể hiện sự tỉ mỉ và tinh tế của mình với nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả, trang trí món ăn sao cho hấp dẫn nhất để thể hiện lòng thành kính của mình với đất trời, tổ tiên.

Mâm cỗ ngày Tết ông Công, ông Táo

  Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm những món đơn giản, truyền thống nhưng được trang trí sáng tạo, đẹp mắt của Food Blogger Tô Hưng Giang từng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm những món đơn giản, truyền thống nhưng được trang trí sáng tạo, đẹp mắt của Food Blogger Tô Hưng Giang từng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Trong tín ngưỡng của người Việt, cúng ông Công ông Táo còn gọi là cúng Táo quân. Táo quân là vị thần bếp trong nhà và cũng là vị thần chịu trách nhiệm ghi chép lại những việc tốt, việc xấu của gia chủ trong một năm và cưỡi cá chép lên báo cáo với Ngọc Hoàng vào ngày 23 tháng Chạp.  

Người Việt quan niệm rằng Táo quân là vị thần định đoạt phúc đức cho gia đình. Vì vậy vào ngày 23 tháng Chạp, tất cả các gia đình đều chuẩn bị lễ vật, cỗ cúng, làm lễ tiễn Táo quân chầu trời rất trang trọng và cẩn thận.

Cúng ông Công, ông Táo vào ngày nào, giờ nào là chuẩn?

Lễ cúng ông Công, ông Táo phải được tiến hành trước khi Táo quân bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Vì vậy, thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là từ buổi tối ngày 22 tháng Chạp đến trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp (12 giờ trưa 23 tháng Chạp).

Tuy nhiên, nếu các gia đình bận rộn và không thể sắp xếp cúng đúng ngày giờ như trên, có thể làm lễ cúng vào trưa và chiều ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Điều quan trọng hơn cả là chuẩn bị lễ cúng với sự thành tâm để thể hiện được tấm lòng với thần bếp và thần cai quản đất đai.

Cúng ông Công, ông Táo gồm những gì?

  Bộ mũ áo cúng Táo quân. (Ảnh: VOV)

Bộ mũ áo cúng Táo quân. (Ảnh: VOV)

Lễ cúng ông Táo được chuẩn bị trang trọng và chu đáo, bao gồm:

- Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả, nhang hương, vàng mã.

- Ba bộ mũ áo, trong đó hai mũ cánh chuồn cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Cùng với đó là hia hài Táo quân.

Màu sắc của mũ áo Táo quân sẽ khác theo Ngũ hành của năm đó. Ví dụ, năm hành Kim sẽ dùng màu vàng, năm hành Mộc dùng màu trắng, năm hành Thủy dùng màu xanh, năm hành Hỏa dùng màu đỏ, năm hành Thổ dùng màu đen.

Lễ vật cúng Táo quân ở mỗi miền có khác nhau. Người miền Bắc thường cúng cá chép còn sống và thả trong chậu nước với quan niệm "cá chép hóa rồng" - cá sẽ biến thành rồng đưa Táo quân về chầu trời.

Nhưng người miền Trung lại thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ. Người miền Nam đơn giản hơn khi chỉ cúng mũ, áo, hia hài bằng giấy là đủ.

Về cỗ mặn cúng ông Táo, cỗ cúng gồm những món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, thịt gà luộc, giò chả, canh nấm, xôi. 

  Người dân thả cá chép trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. (Ảnh: Independent)

Người dân thả cá chép trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. (Ảnh: Independent)

Văn khấn cúng ông Công, ông Táo

Gia chủ có thể bày tỏ lòng thành với các vị thần bếp và thần thổ địa với bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam sau đây:

Bài văn khấn cúng ông Táo số 1

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Tín chủ (chúng) con là: [Họ và tên của người khấn]

Ngụ tại: [Địa chỉ nhà của người khấn]

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, dâu rể, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Bài văn khấn cúng ông Công ông Táo số 2

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!

Tín chủ (chúng) con là: [Họ và tên của người khấn]

Ngụ tại: [Địa chỉ nhà của người khấn]

Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời:

Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.

Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Mâm cỗ ngày Tết: Cách chuẩn bị cỗ cúng giao thừa

  Mâm cỗ cúng giao thừa của chị Tô Hưng Giang (Hà Nội). (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Mâm cỗ cúng giao thừa của chị Tô Hưng Giang (Hà Nội). (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Giao thừa còn gọi là lễ Trừ tịch, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người Việt quan niệm năm mới thì cái gì cũng phải mới. Vì vậy, trước khi giao thừa, mọi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, trang hoàng đẹp mắt, chuẩn bị quần áo mới để mặc vào ngày đầu năm.

Ý nghĩa của lễ Trừ tịch cũng xuất phát từ quan niệm đó - mọi người quên hết và vứt bỏ những điều xui xẻo, phiền toái, lo lắng của năm cũ để đón điều tốt đẹp trong năm mới.

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Các gia đình cúng giao thừa hay còn được gọi là lễ Trừ tịch với ý nghĩa đem bỏ đi hết những điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp trong năm mới.  

Theo tín ngưỡng của người Việt, cần chuẩn bị hai mâm cỗ cúng giao thừa. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và một mâm cúng Thiên Địa ở ngoài trời.

Lễ cúng giao thừa trong nhà gồm những gì?

Cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới. Trong lễ này tại gia đình, người ta nhắc đến công ơn trời đất, tổ tiên, tạ lỗi cùng cha mẹ, tha thứ cho nhau, trút bỏ mọi điều xấu và hứa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp. Với sự thành tâm và kính trọng, mọi người cầu xin tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, mọi sự thuận buồm xuôi gió.

Lễ cúng giao thừa trong nhà gồm:

- Cỗ mặn: Bánh chưng, giò chả, xôi gấc, thịt gà, nem rán và các món xào, món canh khác tùy khẩu vị gia đình.

- Hương hoa, vàng mã, đèn nến,

- Trầu cau, bánh kẹo, mứt tết.

- Các loại đồ uống

Văn khấn cho lễ cúng giao thừa trong nhà

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

Nam mô Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh

Nay là phút Giao thừa năm cũ Mậu Tuất với năm mới Kỷ Hợi

Chúng con là:

Sinh năm: 

Hành canh: ... tuổi (ví dụ: 40 tuổi)

Ngụ tại số nhà:..., ấp/khu phố..., xã/phường..., quận/huyện/thành phố..., tỉnh/thành phố...

Phút Giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ Thần, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Con lại kính mời các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Lễ cúng giao thừa ngoài trời

  Cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường đơn giản hơn.

Cỗ cúng giao thừa ngoài trời thường đơn giản hơn.

Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời có thể đơn giản hơn mâm cúng giao thừa trong nhà. Tuy nhiên vẫn cần sửa lễ với tấm lòng thành kính và thái độ tôn nghiêm. Lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ có xôi, thịt gà hoặc thịt lợn, hoa quả. Khi thắp hương, có thể cắm nén hương vào đồ lễ cúng.

Văn khấn cho lễ cúng giao thừa ngoài trời

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần

Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan: Cự Tào Phán quan.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút Giao thừa năm cũ Mậu Tuất với năm mới Kỷ Hợi

Chúng con là:

Sinh năm: 

Hành canh: ... tuổi (ví dụ: 40 tuổi)

Ngụ tại số nhà:..., ấp/khu phố..., xã/phường..., quận/huyện/thành phố..., tỉnh/thành phố...

Phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài cựu niên đương cái Thái tuế, ngài tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần. Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Chuẩn bị mâm cỗ ngày mùng 1 Tết

  Mâm cỗ ngày mùng 1 Tết.

Mâm cỗ ngày mùng 1 Tết.

Ngày mùng 1 Tết là ngày khởi đầu của năm mới, nên mâm cơm cúng luôn được sửa soạn cầu kỳ, chu đáo. Lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết bao gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, đèn nến, trầu cau, giấy tiền vàng mã. Trong khi đó, mâm cúng ngày mùng 1 phải có ít nhất những món sau:

- Thịt gà trống thiến. (Một số vùng kiêng sát sinh đầu năm mới sẽ chuẩn bị món này từ hôm trước)

- Canh măng hầm hoặc canh bóng

- Miến xào hoặccanh miến

- Xôi đậu xanh hoặc xôi gấc

- Món nem rán

- Giò chả hoặc thịt đông

- Bánh chưng

Văn khấn ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật.

Con kính lạy Phật trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.

Con kính lạy chư vị Tôn Thần.

Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.

Tín chủ con là:

Ngụ tại:

Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần.

Thiết nghĩ tôn Thần hào khí sáng loà, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, tôn đức cảm thông. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho chúng con mọi người hoan hỷ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức tôn Thần bản xứ. Hộ trì tín chủ, gia lộc gia ân, xá quá trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý.

Chúng con lòng thành kính lễ, cúi xin chư vi tôn thần chứng giam phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Mâm cỗ ngày mùng 2 Tết

Vào ngày mùng 2 Tết, mọi người thường có các hoạt động chúc tết họ hàng, làng xóm hoặc du xuân đến những địa điểm mang lại may mắn đầu năm mới. Tuy nhiên việc làm mâm cỗ cúng vẫn được coi trọng. Các món trong mâm cỗ cúng ngày mùng 2 Tết tương tự như ngày mùng 1.

Mâm cỗ hóa vàng gồm những gì?

  Mâm cỗ ngày mùng 3 Tết cũng là ngày mọi thường chọn làm ngày hóa vàng.

Mâm cỗ ngày mùng 3 Tết cũng là ngày mọi thường chọn làm ngày hóa vàng.

Nhiều gia đình chọn ngày mùng 3 Tết là ngày hóa vàng. Theo phong tục dân gian, ngày 30 Tết, con cháu chuẩn bị lễ vật, làm cơm cúng mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết.

Quan niệm của người Việt cho rằng các vị thần linh, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ trong 3 ngày Tết đó. Vì vậy những lễ vật đã dâng như mâm ngũ quả, bánh kẹo, trầu cau phải đợi đến ngày hóa vàng mới được hạ xuống.

Mâm cỗ cúng hóa vàng gồm: bánh chưng, gà luộc, giò, dưa hành, canh măng khô, nem rán, rau củ xào (hoặc lòng gà xào, thịt bò xào).

Về cách thức chuẩn bị lễ hóa vàng, gia chủ cần thực hiện nghi lễ cẩn thận để tránh phạm những điều kiêng kỵ không đáng có. Sau khi lễ, việc hóa vàng cần phải làm riêng. lưu ý, phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước, phần tiền vàng của tổ tiên hóa sau.

Văn khấn hóa vàng ngày mùng 3 Tết

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ. Chư vị Tôn thần

Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.

- Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …………………

Chúng con là: ……………………………tuổi………………

Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Mâm cỗ ngày Tết ở các gia đình có thể khác nhau tùy từng điều kiện, văn hóa đặc thù của vùng miền đó. Nhưng nói chung, mâm cỗ ngày Tết sẽ đẹp và ý nghĩa nhất khi người nấu món ăn, người sắm sửa lễ vật thành tâm  

Ngọc Thủy

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính