Đạo diễn Dương Vũ (Sủi Cảo) của loạt phim “Na Tra” cho biết, khi thực hiện “Na Tra 2”, đoàn làm phim đã hy vọng tìm được một số ekip quốc tế giúp hoàn thành kỹ xảo những cảnh then chốt, nhưng kết quả không lý tưởng.
Cuối cùng, chính sự trau chuốt và hỗ trợ liên tục của ekip Trung Quốc đã giúp bộ phim đạt được thành công của hôm nay.
Sủi Cảo trải lòng: “Dù tìm đến những đội ngũ sản xuất hàng đầu của nước ngoài nhưng vì là dự án của Trung Quốc nên khó tránh khỏi có thành kiến, họ có thể chỉ sử dụng những nhân viên hạng ba để hoàn thành nên rất nhiều cảnh không đạt yêu cầu. Cuối cùng vẫn là nhận về để đội ngũ trong nước đảm nhận.”
Ví những thách thức và đổi mới của công nghệ, kỹ thuật làm phim là một ‘ngọn núi’, Sủi Cảo chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rằng những ‘ngọn núi’ mà mình từng ngưỡng mộ thực ra chỉ cần cố gắng đến cùng là có thể từng bước chinh phục được.”
Tự hào vì năng lực tự phát triển của kỹ xảo phim hoạt hình nước nhà, Sủi Cảo cho biết: “Chúng tôi có tiềm năng để từ từ đạt được kết quả tốt nhất. Trong quá trình này, chúng tôi đã biết đến các quy trình công nghiệp và kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài và đang thu hẹp dần khoảng cách.”
Ngoài ra, một lý do khác khiến đoàn làm phim “Na Tra 2” quyết định không muốn nhờ đến sự hỗ trợ từ nước ngoài chính là sự khác biệt về văn hóa làm tăng thêm khó khăn cho các đoàn làm phim nước khác khi tham gia sản xuất phim hoạt hình Trung Quốc.
Chen Zhe, giám đốc sản xuất của “Na Tra 2”, đã đưa ra một ví dụ: “Cảnh Gậy Như Ý xuất hiện trong phim, ekip Trung Quốc sẽ biết ngay nó là gì. Nếu là ekip nước ngoài, bạn phải giải thích ngay từ đầu và thậm chí phải kể thêm về Tây Du Ký và Tôn Ngộ Không.”
Theo đạo diễn Sủi Cảo, muốn truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, chủ yếu dựa vào chính bản thân tác phẩm, ở nội dung cốt lõi như kịch bản, cốt truyện và nhân vật, bởi “đây không phải là những thứ có thể thuê người nước ngoài”.
Trong 10 năm qua, phim hoạt hình Trung Quốc ‘mọc lên’ như nấm sau mưa và được ủng hộ mạnh mẽ, Sủi Cảo tin rằng đây là kết quả tự nhiên khi nhiều đạo diễn hoạt hình trẻ tài năng đã xuất hiện. Việc này là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc cùng với nhu cầu ngày càng tăng đối với đời sống nghệ thuật.
Đằng sau đó còn là niềm đam mê và sự bền bỉ của các họa sĩ hoạt hình. Như Sủi Cảo, dù tốt nghiệp chuyên ngành dược, nhưng từ năm ba đại học anh đã bắt đầu tự học hoạt hình 3D và kiên trì theo đuổi con đường này, và thành quả chính là sự bùng nổ ngoài mong đợi của hai phần phim “Na Tra”.
“Chúng ta đang sống trong thời đại tốt đẹp và có cơ hội làm những gì mình thích”, Sủi Cảo nói.
Ánh DươngBạn đang xem bài viết Lý do đoàn làm phim “Na Tra 2” không thuê ekip nước ngoài tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].