Hallyu là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Trung, có nghĩa là “Làn sóng Hàn Quốc”. Đây là thuật ngữ chung dùng để chỉ sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa Hàn Quốc và văn hóa đại chúng, từ âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình đến trò chơi trực tuyến và ẩm thực Hàn Quốc.
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới, nếu không muốn nói là duy nhất, có mục tiêu rõ ràng là trở thành nước xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới.
![van-hoa-han-quoc-01](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/07/van-hoa-han-quoc-01-1128.jpg)
Khởi nguồn làn sóng Hallyu
Truyền thông cho rằng làn sóng Hallyu bắt đầu hình thành nhờ những bộ phim điện ảnh và phim truyền hình vô cùng thành công như Trái tim mùa thu (2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001), Bản tình ca mùa đông (2004).
Tất cả những bộ phim này đều trở nên rất phổ biến không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Sự thành công của những sản phẩm giải trí này đã tạo nên tiếng vang lớn về sự bùng nổ của nền văn hóa Hàn Quốc. Các nguồn tin truyền thông trong khu vực đã nhanh chóng nắm bắt được các tín hiệu và cùng nhau công bố sự ra đời của Hallyu.
Trên đây được cho là những ví dụ điển hình cho Hallyu, nhưng làn sóng này thực tế được hình thành và thúc đẩy từ lâu hơn.
![van-hoa-han-quoc-02](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/07/van-hoa-han-quoc-02-1130.jpg)
Những yếu tố thúc đẩy
Một trong những yếu tố quan trọng nhất mở đường cho Hallyu là quyết định của Chính phủ Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 về việc dỡ bỏ lệnh cấm đi du lịch nước ngoài đối với người dân nước này, giúp văn hóa Hàn Quốc bắt đầu lan rộng ra nước ngoài dễ dàng hơn.
Yếu tố thứ hai là việc định hình nền văn hóa đại chúng của đất nước như một mặt hàng xuất khẩu chính. Cụ thể, Trong quá trình tái thiết nền kinh tế của đất nước sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, Tống thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae-jung, quyết định thúc đẩy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng trở thành hai động lực chính cho tương lai của Hàn Quốc.
Công nghệ sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới vượt trội hơn ngành sản xuất truyền thống mà Hàn Quốc đã phụ thuộc kể từ khi thoát khỏi đói nghèo và công nghiệp hóa, trong khi văn hóa đại chúng được định hình trở thành một sản phẩm xuất khẩu quan trọng trị giá hàng tỷ USD - đồng thời giúp xây dựng lại thương hiệu cho Hàn Quốc.
Yếu tố thứ ba liên quan đến luật kiểm duyệt, khi đó cấm các nhà làm phim và các nghệ sĩ khác giới thiệu nhiều chủ đề được coi là gây tranh cãi. Điều này đã hạn chế sự độc lập sáng tạo của họ trong một thời gian dài.
Năm 1996, tòa án hiến pháp Hàn Quốc xoá bỏ luật kiểm duyệt này và mở ra một loạt các chủ đề để các nghệ sĩ khám phá. Động thái mang đến những cơ hội to lớn và sự độc lập cho thế hệ trẻ và năng động của Hàn Quốc để thể hiện những ý tưởng mới mẻ và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc. Nội dung trong các bộ phim và phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu đa dạng hóa và nhiều nhà làm phim có ảnh hưởng đã nổi lên trong giai đoạn này.
![31402_43032_5234](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/07/31402_43032_5234-1133.jpg)
Yếu tố thứ tư là sự đổ bộ của các ông lớn. Tháng 5/1994, Bộ trưởng Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc Lee Sang-hee báo cáo với Tổng thống Kim Young-sam về bom tấn điện ảnh Mỹ Công viên kỷ Jura (Jurassic Park): "Chỉ trong một năm, lợi nhuận từ Jurassic Park lên tới 850 triệu USD. Con số này tương đương với lợi nhuận thu được khi xuất khẩu 1,5 triệu chiếc xe ôtô".
Thời điểm đó, Hyundai đang vật lộn tại thị trường Bắc Mỹ. Ngay cả xuất khẩu thành công nhất, Hyundai cũng chỉ bán được 168.882 tại Mỹ. Phép so sánh Jurassic Park với ôtô đã khiến cho hơn 20 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc bao gồm cả Daewoo, SKC, Saehan... tiến quân sang lĩnh vực điện ảnh.
Trong số đó có Cheil Jedang - một doanh nghiệp hơn 40 năm sản xuất đường ăn và bột mì - ngày nay được cả thế giới biết đến với cái tên CJ Group.
Sự tăng trưởng theo cấp số nhân về mức độ phổ biến của các thương hiệu Hàn Quốc như Samsung,LG, Hyundai, Daewoo, CJ,... mở ra nhiều cánh cửa cho Hàn Quốc xuất khẩu mặt hàng văn hoá của mình.
Một yếu tố khác là tăng cường tập trung vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang chi một khoản tiền lớn để phát triển cơ sở hạ tầng Internet công nghệ cao vì họ tin rằng mọi công dân Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi khi được kết nối với thế giới toàn cầu.
Ngoài ra, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới đầu tư tiền của mình vào các công ty khởi nghiệp của quốc gia. Năm 2012, tiền của chính phủ chiếm hơn 25% tổng số tiền đầu tư mạo hiểm được giải ngân tại Hàn Quốc, trong đó 1/3 tổng số tiền được chi cho ngành công nghiệp giải trí.
![van-hoa-han-quoc-03](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/07/van-hoa-han-quoc-03-1136.jpeg)
Sau hai thập kỷ hành động, văn hóa đại chúng của Hàn Quốc hiện diện khắp toàn cầu, từ âm nhạc, phim truyền hình, điện ảnh cho đến ẩm thực, thời trang, văn hóa phẩm đi kèm…
Tính đến năm 2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 Trung tâm Văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu.
Báo cáo của Quỹ Văn hóa Hàn Quốc đưa ra con số 89 triệu người hâm mộ Hallyu ở 113 quốc gia, trong đó hơn 70 triệu người ở châu Á, gần 12 triệu ở châu Mỹ và 6,6 triệu ở châu Âu… Sức mạnh mềm của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu.
Hàn Quốc cũng trở nên giàu có và hiện đại vượt bậc. Năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc còn thấp hơn cả Ghana. Ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Làn sóng Hallyu - Sự trỗi dậy của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
![từ khóa](https://sf.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/v2.2.85/templates/themes/images/tag.png)