TS Lea Waters, Giám đốc sáng lập Trung tâm Tâm lý Tích cực ở Đại học Melbourne cho rằng, sẽ tốt hơn cho cả cha mẹ và con cái nếu bạn nhìn vào điểm mạnh của con mình trước tiên, dù đó là tính cách (kiên nhẫn, quyết tâm, v.v.) hay là khả năng (chơi khúc côn cầu, đàn piano v.v).
Dạy chúng tập trung vào việc cải thiện bản thân dù chúng đã làm tốt một điều gì đó sẽ giúp chúng phát triển sự kiên định cần thiết để tiếp tục thử sức ở những công việc khó khăn.
Hài hòa giữa nghiêm khắc và dễ dãi
Cha mẹ thường có hai thái cực: một là nghiêm khắc, hay phê phán, cằn nhằn và hai là dễ dãi, nuông chiều. Ở giữa hai thái cực đó chính là những người biết hướng đến điểm mạnh của con. Như vậy, họ có thể hướng đứa trẻ đến cả ưu điểm và nhược điểm một cách thực tế và hiệu quả nhất.
Người ta thường nghĩ là bạn chỉ có thể tập trung vào ưu điểm hoặc khuyết điểm và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bạn có thể dung hòa được hai thái cực, bạn sẽ góp ý cho con một cách chân thành và mang tính xây dựng hơn về những điểm yếu của con.
Học cách nhìn vào ưu điểm của con
Chúng ta được nuôi dạy bởi một thế hệ, còn bố mẹ ta được nuôi dạy bởi thế hệ trước đó. Họ là những người mặc định tiến bộ là quá trình cải thiện một khuyết điểm.
Ở phương diện xã hội, chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng tiến bộ là quá trình sửa chữa những cái sai hơn là nâng cao những cái đúng.
Ý tưởng chung của việc hướng đến điểm mạnh của con là học cách thay đổi cách làm cha mẹ, kiểm soát có ý thức hơn những gì bạn trông đợi và những khuôn mẫu trong đầu bạn.
Bạn càng chú ý đến những ưu điểm của con bao nhiêu thì bạn sẽ càng thấy con mình có nhiều điểm mạnh bấy nhiêu vì bạn lập trình lại não bộ một cách tự nhiên.
Đây không phải là điều mà bạn đơn giản chỉ cần búng tay một cái là đã đột nhiên có thể thông cảm với con mình theo một cách mới.
Việc này cũng như bất kỳ mục tiêu lớn nào trong đời bạn vậy. Bạn sẽ phải mất nhiều công sức để đạt được nó, giống như việc bạn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn trở thành một người cha người mẹ tốt.
Thấu hiểu và công nhận con
Có ba điều mà các bậc cha mẹ nên xem xét khi họ muốn nhìn ra đâu là ưu điểm thực sự của con mình. Đó là thái độ của con khi làm tốt điều gì đó, những thứ khiến con bạn hào hứng khi thực hiện và những thứ mà con bạn tự giác thực hiện. Và dĩ nhiên, ưu điểm đó phải có ích cho cả con bạn và những người khác.
Việc bạn chấp nhận con cái mình với tất cả điểm mạnh – yếu sẽ khiến chúng thấy được công nhận. Có rất nhiều người lớn lên trong đau khổ vì họ không cảm thấy được cha mẹ nhìn nhận và yêu thương.
Vì thế, ích lợi lớn nhất của việc hướng đến điểm mạnh của con là giúp con bạn mạnh mẽ hơn, khi chúng biết bố mẹ nhìn nhận và yêu thương chính con người chúng.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Lập trình lại não bộ: Khuyến khích điểm mạnh để khắc phục điểm yếu của con tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].