Chúng ta thường giữ lại nhiều đồ đạc vì nghĩ rằng một ngày nào đó, những thứ đó sẽ lại hữu dụng hoặc có giá trị. Đôi khi điều này có thể đúng. Những món đồ này - nhất là những món đồ gắn với kỷ niệm xưa - không phải là rác, nhưng liệu chúng có còn hữu dụng với ta nữa hay không thì cần ngẫm lại.
Không dễ dàng gì để dẹp bớt đồ đạc cũ và xử lý hàng trăm ngàn món đồ như thế trong nhà. Phần lớn chúng ta hay mắc phải ba vấn đề sau khi định dọn dẹp, vứt bớt đồ đạc cũ:
- Đánh giá quá mức độ cần thiết của vật đó trong tương lai
- Xem nhẹ không gian và chi phí phải dành cho vật đó
- Xem nhẹ chi phí dành cho việc cất giữ, bảo quản
Vậy đây là cách để thoát khỏi vấn đề này:
Công thức dọn dẹp phân loại
Quy tắc này có tên viết tắt là RFASR, trong đó:
- Recency: Lần gần nhất sử dụng — “Lần gần đây nhất tôi sử dụng nó là khi nào?”
- Frequency: Tần suất sử dụng— “Tôi sử dụng nó bao nhiêu lần một tuần/tháng/năm?”
- Acquisition Cost: Chi phí mua — “Mua nó mất bao tiền/có khó không?”
- Storage Cost: Chi phí lưu trữ — “Phải dành bao nhiêu không gian và tiền để duy trì nó?”
- Retrieve Cost: Chi phí khôi phục — “Khôi phục hoặc sửa chữa nó mất bao nhiêu tiền?”
Sau khi bạn đã trả lời những câu hỏi trên, hãy nhìn vào công thức sau:
R (Thấp) + F (Thấp) + AC (Thấp) +SC (Cao) + RC (Cao) = Không cần giữ lại
Lấy ví dụ với quần áo:
- Lần sử dụng gần nhất: 2 năm trước
- Tần suất sử dụng: Khi đó cũng không hay mặc
- Chi phí mua: Tôi có thể đặt mua online món đồ tương tự nhanh chóng, giá rẻ
- Chi phí lưu trữ: Những bộ đồ tương tự thế này đang chiếm 3/4 tủ quần áo của tôi
- Chi phí khôi phục: Nó cũng đã cũ rồi...
Ví dụ trong tình huống như vậy, hãy thanh lý ngay bộ đồ đó. Nó không gia tăng giá trị nào trong tương lai và sẽ không có ích gì cả.
Với những món đồ gắn với cảm xúc (ví dụ món quà một người thân tặng bạn), hãy nhớ rằng: Khi món quà đã được trao thì nó đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu. Hai hoặc nhiều năm sau, nó cũng chỉ là chiếc áo chiếm không gian trong nhà bạn. Việc bạn bỏ nó đi cũng không làm thay đổi sự gắn kết với món quà hay với người đã tặng quà.
Mặc dù công thức dọn dẹp phân loại này có thể giúp bạn bỏ bớt những món đồ mà bạn đã giữ và giúp bạn quyết định có nên giữ hay mua những thứ như thế hay không, song bạn thường sẽ muốn nhiều hơn những thứ bạn cần.
Để đánh bại thói quen này, khi định mua món đồ nào hãy cân nhắc và đợi khoảng 1 tuần. Sau 1 tuần, hãy nghĩ lại về sự cân bằng; mức độ muốn và cần của bạn. Ví dụ nếu bạn quyết định mua một món đồ mới, hãy bỏ món đồ cũ. Đó là quy tắc đơn giản nhất.
Lợi ích tiềm ẩn của việc vứt bỏ đồ cũ
Giá trị thực sự của công thức dọn dẹp này không chỉ là tiết kiệm tiền bạc và không gian, mà nó còn tiết kiệm năng lượng tinh thần cho bạn.
Chúng ta phải tốn không ít năng lượng tinh thần để bố trí và dọn dẹp quần áo, đồ đạc cũ. Những món đồ linh tinh cũng dễ làm bạn mất tập trung và làm phí năng lượng khi bạn đang làm việc vì phải nhắc nhở mình không chú ý vào chúng.
Thử nghĩ xem, nếu ai đó đưa cho bạn một tờ giấy trắng với một chấm đen thật lớn bên trên rồi yêu cầu bạn "Đừng nghĩ về chấm đen" thì bạn sẽ phải rất cố gắng để không nghĩ về chấm đen đó. Vậy là không ít năng lượng đã phải tiêu tốn cho việc không nghĩ về chấm đen.
Tương tự với căn nhà của bạn. Bạn biết những món đồ linh tinh ở đó. Nhưng bạn cố tìm cách để lờ chúng đi, vậy là thực ra nó đang làm giảm sự tập trung của bạn với việc mà bạn đang làm.
Cách tốt nhất để lấy lại sự tập trung là giảm bớt những thứ gây xao nhãng bằng cách lặp đi lặp lại công thức trên. Căn nhà của bạn sẽ được tối giản hóa, chỉ còn những món đồ bạn thích và có giá trị với bạn.
Đó sẽ là một chiến thắng lớn lao trong công cuộc dọn dẹp nhà cửa.
Theo Life Hack
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Làm thế nào để vứt bớt đồ đạc cũ trong nhà mà không thấy tiếc tại chuyên mục Mẹo vặt Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].