5 lần xé đơn ly hôn của vợ
65 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Thọ là thầy giáo dạy ở trường Trưng Vương, rồi sau đó chuyển sang trường cấp 3 Việt Đức (Hà Nội).
Khoảng thời gian ấy, thầy giáo Thọ có duyên gặp gỡ cô gái trẻ Đinh Thị Dục Tú, một người con gái đẹp lại duyên dáng và chàng trai đã phải lòng cô gái ngay từ lần gặp đầu tiên.
Với tính tình hiền lành, lại sở hữu nhiều tài như viết hay, vẽ giỏi, biết thổi kèn harmonica… nên chàng trai nhanh chóng chinh phục được trái tim nàng.
Họ bắt đầu trao đổi với nhau về tình cảm và yêu nhau từ đó. Năm 1960, ông Thọ và bà Tú kết hôn. Họ thuê một phòng trọ nhỏ ở phố Hàng Cân để ở, nhưng được vài tháng, do chiến tranh ác liệt nên bà Tú phải sơ tán về Bắc Ninh, còn ông Thọ sơ tán về Bắc Giang.
“Trong thời gian sơ tán, cứ cuối tuần là chúng tôi đạp xe đi thăm nhau. Khi tôi đến chỗ bà, khi thì bà lại đạp xe đến chỗ tôi. Chúng tôi cứ đạp xe đi thăm nhau như vậy dù 2 người cách nhau đến cả 50 cây số.
Sống với nhau qua những ngày gian khó nên càng ngày chúng tôi càng yêu và hiểu nhau hơn. Bởi khó khăn gian khổ thì cảm thông mới càng sâu sắc, tình cảm mới càng sâu đậm” – ông Thọ chia sẻ.
Cụ ông Nguyễn Ngọc Thọ, người từng là Tổng biên tập đầu tiên của báo Đại biểu Nhân dân, giảng viên trường Đại học Đông Đô cho biết, điều tự hào nhất hiện nay là cả hai vợ chồng ông vẫn còn minh mẫn và tự chăm sóc được bản thân. Và may mắn là 62 năm qua được cùng nhau trải qua những khó khăn, hạnh phúc của cuộc đời.
Năm 1972, khi đó ông Thọ đã chuyển sang làm phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam và tham gia đoàn nhà văn, nhà báo vào chiến trường Quảng Trị. Đêm chia tay ở hồ Thiền Quang, bà Tú khóc sướt mướt còn ông Thọ thì rất buồn.
Trong đợt công tác ở chiến trường Quảng Trị, ông Thọ bị chảy máu dạ dày, phải cấp cứu dưới hầm địa đạo, may mắn được cứu thành công. Ông được chuyển ra Hà Nội. Gặp lại chồng sau nhiều tháng xa cách, bà Tú vừa mừng lại vừa xót. Bởi ông vừa gầy lại vừa đen, nhưng sống sót trở về là tốt rồi.
Sống với nhau vài năm vẫn chưa có con, ông Thọ bà Tú đã tìm đến những thầy thuốc hàng đầu cả Tây y và Đông y để thăm khám. Sau nhiều lần phải làm phẫu thuật và dùng thuốc điều trị, bà Tú bị sụt cân nghiêm trọng, chỉ còn hơn 30kg.
Nhìn vợ gầy yếu, lại suốt ngày kêu đau làm ông Thọ rất thương. Ông nói với bác sĩ không cần chữa nữa, để vợ mình hồi phục bình thường. Chỉ cần vợ khỏe mạnh là ông hạnh phúc rồi.
Ông Ngọc Thọ cho biết, có người từng hỏi ông, lấy vợ mà không có con thì ông có bỏ để lấy vợ khác? Khi đó, ông đã trả lời rằng: “Tôi là một người làm giáo dục, là một người có học, đã là một người đàn ông như vậy thì không có quyền được làm cho người đàn bà khác đau khổ, nhất là người đàn bà ấy lại là vợ mình.
Với một người phụ nữ, có gì đau khổ hơn khi lấy chồng mà không có con. Có con là hạnh phúc được cụ thể hóa, kể cả lý tưởng cũng được cụ thể hóa là đứa con. Không có con người ta dễ bỏ nhau lắm, nhưng với tôi sống với nhau phải có tình”.
Và chính tình yêu chân thành, sự đồng cảm của chồng và gia đình hai bên dần khiến bà Tú chấp nhận không thể sinh nở.
Nhưng bà Tú vẫn luôn có suy nghĩ giải thoát cho chồng, muốn ông đi lấy người khác để có con, không về già sẽ khổ.
“Tôi yêu chồng nhưng muốn ly hôn với chồng. Đã 5 lần tôi làm đơn để ly hôn với chồng, nhưng 5 lần viết đơn cũng là 5 lần ông xé đơn nát vụn.
Ông nói với tôi: “Em làm như thế này là em xúc phạm anh. Anh không cần con, có con cũng được, không có con cũng được, miễn chúng mình sống với nhau hạnh phúc”. Từ đó chúng tôi không bao giờ đề cập đến chuyện ly hôn hay con cái nữa” – bà Tú tâm sự.
Chọn du lịch là niềm vui, viện dưỡng lão là điểm dừng chân cuối đời
Không có con thì sống thế nào? Đó là câu hỏi tự vợ chồng ông Thọ đặt ra và cũng là câu hỏi mà nhiều người hỏi vợ chồng ông.
“Chúng tôi phải tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cái gì vui thì chúng tôi làm, chỗ nào vui thì chúng tôi đến” – cụ ông chia sẻ.
Thời kỳ vẫn còn trẻ khỏe, họ đã chọn đi du lịch để vui vẻ, hạnh phúc hơn. Có mục tiêu là vợ chồng ông hăng hái thực hiện, ông chăm chỉ làm việc, viết báo, dịch sách, dạy học và đã có một số tích lũy khá lớn.
Họ đưa nhau đi du lịch khắp thế giới. Chuyến đi để lại ấn tượng sâu đậm nhất với cả hai là tới Ai Cập, Nam Phi và tiếp đó là Anh, Pháp. “Khi ngồi thuyền đi trên sông Nile chúng tôi thấy khung cảnh hoang sơ, hàng quán và người bán hàng ăn mặc theo kiểu cổ đại, nước sông trong vắt nhìn thấy đáy" – ông Thọ hào hứng kể về chuyến du lịch đáng nhớ của hai vợ chồng.
Suốt những năm tháng tuổi trẻ, hai vợ chồng ông Thọ đã đi qua 4 châu lục, đến 15 quốc gia. Khi tuổi đã cao, việc xuất ngoại khó khăn, họ lại tiếp tục với những chuyến đi trong nước.
Đến lúc tuổi cao, chân yếu, không đi du lịch được nữa, để cuộc đời sẽ không khô khan, cặp vợ chồng già lại tìm đến niềm vui khác thay thế niềm vui du lịch. Đó là khiêu vũ.
Đến nay vợ chồng ông Thọ bà Tú đã học khiêu vũ được hơn 10 năm. Những điệu múa phổ thông họ đã thuộc hết. “Khi khiêu vũ chúng tôi nhảy với nhau, cùng nhau rèn luyện cơ bắp, rèn trí tuệ và giải trí. Đây là 3 lợi ích tuyệt vời bộ môn khiêu vũ đem lại cho chúng tôi” – ông Thọ nói.
Đúc kết về cuộc sống hôn nhân của mình suốt 62 năm qua, ông Ngọc Thọ chia sẻ, suốt thời gian bên nhau cũng có những lúc vợ chồng ông cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, nhưng chưa bao giờ họ cãi nhau, đánh nhau.
“Chúng tôi cùng nhau trải qua khó khăn, vất vả. Nguyện vọng đặt ra đã đạt được nên tình cảm của chúng tôi càng gắn bó. Cả cuộc đời từ trẻ đến già chúng tôi đã được đi nhiều nơi, cuộc sống không quá khổ, với chúng tôi vậy là đã thỏa mãn rồi” – cụ ông cười nói.
Đến tuổi gần đất xa trời, vào viện dưỡng lão ở để có người chăm sóc cũng đã nằm trong kế hoạch của vợ chồng ông Thọ từ khi xác định không có con.
Trước khi vào đây vợ chồng ông Thọ đã nghiên cứu rất kỹ. Vào viện dưỡng lão thì sẽ có một tập thể chăm sóc, phục vụ, từ cơm cháo, giặt đồ, dọn dẹp chỗ ở. Đặc biệt là có đội ngũ y tế chăm sóc mình đúng cách những lúc ốm đau. Nếu đêm hôm có việc gì chỉ cần bấm chuông là có người có chuyên môn đến ngay.
Trong khi đó, “nếu ở nhà, con không có, các cháu có nhiều nhưng chúng còn bận đi làm, đi học. Thuê người giúp việc thì họ cũng chỉ làm được các việc như nấu cơm, đi chợ, giặt đồ, quét dọn, đỡ đần khi đi đứng không vững… Họ không biết gì về y tế nên không thể giúp chúng tôi lúc ốm đau. Ban ngày đã vậy, còn đêm hôm nhỡ xảy ra chuyện gì thì ai là người sơ cứu cho tôi đầu tiên.
Trong khi đó, người già thường hay bị bệnh đột ngột, việc sơ cứu đầu tiên là rất quan trọng, sơ cứu xong thì chuyển đi bệnh viện, người giúp việc lại không làm được điều đó” – cụ ông 90 tuổi phân tích.
Sau khi tính toán, phân tích thấu đáo, cặp vợ chồng già đã chọn Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức làm điểm dừng chân nơi những năm tháng cuối đời.
Tại đây họ chọn ở trong căn phòng rộng khoảng 30m2, có nhà vệ sinh riêng phù hợp với 2 vợ chồng, có không gian riêng để đi lại, có khu vực để thể dục thể thao và sinh hoạt cộng đồng. Hàng ngày, họ được nhân viên của trung tâm lo ăn uống, dọn dẹp, cũng như chăm sóc sức khỏe.
“Giá trị cuộc sống ấy có lẽ còn hơn cả có con nếu con không được như ý. Nếu có con mà con không được như ý thì thà không có con như chúng tôi, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Được sống ở một nơi như nhà mình, được chăm lo cho mọi thứ thì với cặp vợ chồng già vậy là hạnh phúc lắm rồi” – ông Ngọc Thọ vui vẻ nói.
An AnBạn đang xem bài viết Không có con, 5 lần xé đơn ly hôn, cặp vợ chồng già cùng nhau vào viện dưỡng lão tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].