Hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) hỏi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, việc học tập của những em này như thế nào? Bộ GD&ĐT đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tú, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy đến, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ có việc của riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm.
Việc học trực tuyến ở Việt Nam đã bắt đầu từ đợt dịch năm 2020 nhưng năm nay 2021 diễn ra với quy mô, tính chất, thời gian phải thực hiện chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức, khó khăn.
Bộ trưởng thông tin, hiện theo thống kê, không phải là 1,5 triệu mà là trên 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình hai, ba anh chị em mới có một cái điện thoại để học, có học sinh thì không có thiết bị.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức hỗ trợ về trang thiết bị máy tính và các thiết bị học tập. Toàn ngành thời gian vừa qua đã huy động hỗ trợ được trên 14 vạn thiết bị, và trong tháng 11, khoảng trên 5 vạn máy tính sẽ được phân phối.
"Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó, cho nên trước khi quan tâm đến chất lượng, thì một trong vấn đề rất mong các địa phương chia sẻ, quan tâm, đấy là số học sinh vì không có thiết bị trong tay đang dần dần phải bỏ học. Thực tế này còn cấp bách hơn trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa qua".
Bộ trưởng cũng thông tin điều đáng mừng là ở những địa phương khó khăn, trong đó có các địa phương vùng sâu, vùng xa phía Bắc, học sinh được học trực tiếp.
Nội dung chương trình học trực tuyến đã được tinh giản
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc dạy chương trình giáo dục, bộ đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để dạy trực tuyến và qua truyền hình. Các năm 2019, 2020, trước tình hình dịch bệnh, bộ đã 2 lần tinh giản chương trình. Năm nay, bộ rà soát thêm một lần nữa. Lần này, bộ xác định đây là chương trình cốt lõi chứ không phải rút gọn.
Các địa phương đang dạy trực tiếp, sẽ dạy trước chương trình cốt lõi, nếu còn thời gian thì quay lại củng cố, bổ sung. Những nơi dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi. Do đó, chương trình cốt lõi đáp ứng yêu cầu dạy học trong dịch bệnh, không phải bê nguyên chương trình trực tiếp lên trực tuyến.
Đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến như thế nào?
Về việc đánh giá chất lượng học trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục luôn thường xuyên theo dõi xem các đơn vị dạy đến đâu, dạy như thế nào, tương tác ra sao, khó khăn như thế nào?
Tuy nhiên, để đánh giá được kết quả, mức độ đạt được của dạy học trực tuyến đầy đủ cần một cuộc điều tra và khảo sát khi các em quay lại trường. Nhưng chắc chắn việc học trực tuyến có những thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng, đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực trực tiếp, trực quan và tiếp xúc. Ngành giáo dục nhận thấy đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp.
Do đó, trong Công văn 4808, Bộ đã hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi học sinh quay lại trường. Bộ yêu cầu nhà trường không được đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên phải là giúp các em làm quen với môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái.
Sau đó giáo viên có trách nhiệm đánh giá xem các em trong lớp trình độ đến đâu để phân ra các nhóm bởi có em thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt sẽ chắc kiến thức hơn những em thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá.
Bộ trưởng cho rằng, việc củng cố chất lượng khi học sinh quay trở lại trường sẽ căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi. Tinh thần là khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp cũng không bỏ các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến đã có, tránh tình trạng cực đoan đến lớp rồi thì bỏ hết thì công cụ hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian nếu như học sinh quay trở lại được trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các cái kỹ năng mềm.
Đương nhiên, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng. Nếu dịch kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, về trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục.
Học trực tuyến chưa hiệu quả, có nên lùi đánh giá học sinh?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng việc dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, có nên lùi lại một năm học, coi như năm nay là dự bị, kết quả đánh giá để năm học sau.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay việc học trực tuyến là phi truyền thống. Hoạt động chuyển đổi số của thế giới và Việt Nam trên quy mô bổ trợ đã có từ lâu, nhưng học trực tuyến chưa có tiền lệ nếu thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh và hoàn thiện là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không triển khai đánh giá. Học đến đâu cần kiểm tra đánh giá đến đó, tính đến tác động của khó khăn và biết tình hình học một năm. Việc bồi dưỡng, bồi đắp kiến thức cho lứa học sinh thiệt thòi là công việc của nhiều năm.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến, học online có nhiều thách thức tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].