Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, năm học mới 2021 – 2022 bắt đầu với việc hàng triệu giáo viên, học sinh trên cả nước chính thức học online. Thế nhưng, ngay từ những ngày học đầu tiên đã ghi nhận xảy ra tình trạng “nghẽn mạng”, khó đăng nhập vào phần mềm học tập, có học sinh đang học thì bị “rớt”, “văng” ra khỏi lớp học trực tuyến.
Để biết nguyên nhân chính xác, cần hiểu rõ những yếu tố ảnh hưởng tới một buổi học trực tuyến. Ngoài đường truyền Internet, chất lượng buổi học còn liên quan tới hiệu năng của thiết bị (laptop, smartphone, tablet,...), khả năng đáp ứng của bản thân ứng dụng học trực tuyến đó và máy chủ mà ứng dụng đang sử dụng.
Hiện nay, các ứng dụng học trực tuyến phổ biến tại Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà cung cấp quốc tế. Nhiều trong số đó không sử dụng máy chủ (server) trong nước, đơn cử một ứng dụng họp, học trực tuyến phổ biến đang được rất nhiều người ở Việt Nam tin dùng lại có máy chủ ở Singapore.
Khi người dùng sử dụng, tín hiệu Internet từ Việt Nam phải kết nối đi nước ngoài, và ngược lại. Điều này dẫn tới rất phụ thuộc vào đường truyền từ người dùng cuối cùng đến server đặt ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Mỗi gói tin được truyền tải phải đi qua nhiều chặng cáp quang đất liền và cáp quang biển xuyên quốc gia. Vì vậy, không chỉ phụ thuộc vào đường truyền tại Việt Nam mà việc hoạt động trơn tru của ứng dụng còn phụ thuộc cả vào đường truyền tại nước ngoài.
Về phía các nhà mạng tại Việt Nam, họ luôn khẳng định đảm bảo đường truyền cho khách hàng, kể cả khi cáp quang biển AAG và AAE-1 cùng gặp sự cố. Thậm chí, với VNPT, nhà mạng này còn định tuyến ưu tiên cho các luồng dữ liệu truy cập dịch vụ học trực tuyến. Có thời điểm, lưu lượng đã tăng gấp 4 lần so với thông thường, giúp gói tin từ thiết bị cá nhân đến đường truyền và tới máy chủ dịch vụ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, cũng phải tính tới nhu cầu tăng đột biến của người dùng Internet ở Việt Nam vào một dịch vụ cụ thể. Điều này dễ khiến luồng dữ liệu từ các thiết bị của người dùng phải nằm ở một "nút thắt cổ chai", nếu máy chủ dịch vụ của ứng dụng học trực tuyến không được đơn vị quản lý phân bổ đủ tài nguyên.
Thực tế, có người vượt qua được "nút cổ chai", nhưng cũng có nhiều người khác nhận phải thông báo quá tải, thử lại sau và rất nhiều lỗi khác. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao cùng một thiết bị, một đường truyền Internet, nhưng một người không thể vào lớp học trực tuyến sử dụng ứng dụng của nước ngoài mà lại trơn tru khi vào ứng dụng học trực tuyến của Việt Nam (VNPT E-Learning).
Nói thêm về đường truyền Internet quốc tế tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có lượng cáp quang lớn nhất thế giới. Do vậy, việc khẳng định các lớp học trực tuyến khó truy cập do ảnh hưởng bởi dịch vụ Internet của nhà mạng trong nước là không đủ cơ sở.
Trên thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam đều phải cam kết về chất lượng dịch vụ với người dùng. Các dịch vụ viễn thông của các nhà cung cấp tại Việt Nam cũng đều được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đo kiểm và công bố định kỳ.
Ngay cả với gói Internet cáp quang thấp nhất (khoảng 20 - 30Mbps), việc có nhiều máy tính, smartphone cùng kết nối để học online là hoàn toàn đáp ứng được. Trong khi đó, có những khách hàng nâng gói Internet cáp quang lên trên 100Mbps cũng không tránh khỏi sự chật vật khi học trực tuyến. Điều này giúp loại trừ nguyên nhân đến từ nhà mạng.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin khuyến cáo, khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ học tập trực tuyến có máy chủ đặt ở nước ngoài, người dùng nên tìm hiểu kỹ các cam kết chất lượng.
Sự khác biệt giữa việc dùng miễn phí hay có phí cũng rất có thể ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Trường hợp mua gói trả phí, người dùng cần tìm hiểu rõ pháp nhân tại Việt Nam để khi gặp sự cố còn có hướng xử lý kịp thời.
PVBạn đang xem bài viết Học trực tuyến thường xuyên bị “nghẽn, rớt” mạng, lỗi do đâu? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].