Đó là cách mà hệ thống trường TH School đang triển khai cho học sinh trong thời gian giãn cách.
Từ chuyện của mỗi nhà…
Từ sau khai giảng online ngày 5.9, chị Nguyễn Hải Yến rất lo lắng vì cậu con trai học lớp 5 tại một trường tiểu học ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, HN) dán mắt vào máy tính học online nhiều giờ. Chị chia sẻ:
“Con học trực tuyến chính khóa trên lớp theo thời khóa biểu 5 tiết buổi sáng, buổi chiều học tiếng Anh và học thêm 3 tiết, tới tối lại làm bài tập trên hệ thống OLM 1-2 tiếng nữa nên gần như cả ngày ngồi máy tính”.
Giữa các tiết học, chị Hải Yến giục con ra ngoài sân vươn vai và cho mắt nghỉ, nhưng cậu bé mải tranh thủ chat với bạn hoặc chơi game nên kết cục là cơ thể gần như không vận động.
Bé Vân Anh, con chị Bùi Ngọc Hà – học sinh lớp 1 cũng ở khu vực Mỹ Đình thì rơi vào tình trạng như chị Hà mô tả là “vừa học vừa khóc” vì bàn tay non nớt chưa viết được nét chữ tròn trịa, thường bị mẹ mắng. Chị Hà nói đó là tình trạng chung mà phụ huynh chat với nhau về tình hình dạy con.
Khi xem Chương trình Vì tầm vóc Việt nói về cách dạy và học trực tuyến vừa đảm bảo kiến thức, vừa khỏe về thể chất, tinh thần ở trường TH School (chương trình phát tối 11.9), một số phụ huynh cũng “chiêm nghiệm” được nhiều điều.
Trong Chương trình, cô Yvette Jeffrey hiệu trưởng khối mầm non và tiểu học cơ sở TH School Chùa Bộc nhấn mạnh kinh nghiệm dạy trực tuyến vớ khối tiểu học - khối học sinh đang khiến phụ huynh lo lắng nhất vì nhiều em năm nay lần đầu đi học.
Để bổ khuyết về kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ trong tình hình dịch, nhà trường tổ chức các buổi gặp trực tuyến giữa học sinh và giáo viên mỗi buổi sáng. Nhà trường thiết kế lịch học để học sinh giữ được kết nối thường xuyên với thầy cô 1-1 và kết nối với bạn bè cùng lớp, có không gian và giữ thói quen trò chuyện với bạn bè không chỉ về chương trình học mà còn về những chủ đề thường nhật.
Nhà trường cũng chia các em theo từng nhóm nhỏ, chỉ 5-6 em/nhóm/ giáo viên để giáo viên có thể đặt nhiều quan tâm vào từng bé hơn.
Cô Yvette Jeffrey cho biết thêm, các bài giảng cũng được thiết kế theo cách mô phỏng bằng hình ảnh kết hợp với việc chơi nhạc cụ, hát, kể chuyện.
Linh hoạt thời khóa biểu và cách học
Với các nhóm học sinh khác, TH School có nhiều giải pháp để biến buổi học trực tuyến thành những buổi học thú vị.
Ở các khối học của nhà trường, các thầy cô đều rất hiểu tầm quan trọng của việc tương tác và cảm xúc trong học tập. Vì thế, nhà trường đã thực hiện việc này qua nhiều cách khác nhau. Các giáo viên thiết kế thêm các loại bài tập mô phỏng để tăng tính hấp dẫn trước hết là về hình ảnh cho học sinh. Các em hào hứng với các bài tập này, chủ động tham gia vào các hoạt động.
Cô Heather Ann Pineda, Hiệu trưởng khối trung học cơ sở TH School Chùa Bộc cho biết, là một cố vấn/tâm lý giáo dục, cô và các giáo viên tại trường TH School quan tâm rất lớn tới việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất và chỉ số hạnh phúc của học sinh, sử dụng thước đo SDQ để có thể đánh giá các chỉ số đó.
Đặc biệt, sự tham gia của gia đình cũng có những hướng dẫn cụ thể. “Nhà trường thiết kế thời khóa biểu linh hoạt để học sinh không phải ngồi máy tính quá nhiều, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của học sinh. Với các em mầm non tiểu học, nhà trường đã làm việc với các gia đình để có sự gắn kết giữa gia đình – học sinh – thầy cô.
Sau mỗi tiết học, các em sẽ làm bài tập cùng chính gia đình. Giáo viên sẽ gọi tên các con trong suốt buổi học, để nhắc nhớ cho các con biết là thầy cô vẫn đang rất chú tâm đến các con dù là học online”- Cô Nguyễn Thu Thảo – Giám đốc điều hành TH School chia sẻ.
Học sinh TH School đang theo học chương trình quốc tế chuẩn Cambridge hoàn toàn bằng tiếng Anh từ cấp mầm non cho đến hết cấp Trung học phổ thông như Chương trình IPC, IGCSE, A Level… kết hợp với tinh hoa Việt Nam học. Chương trình học trực tuyến được thiết kế để đảm bảo các tiêu chuẩn học thuật quốc tế. Chi tiết Chương trình xem lại tại: https://vtv.vn/video/vi-tam-voc-viet-12-9-2021-520361.htm - Chương trình Vì tầm vóc Việt phát ngày 12.9.2021)
Yến AnhBạn đang xem bài viết Giữ sức khỏe thể chất, tinh thần khi học trực tuyến tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].