Ngày 15/11, gần 600.000 học sinh Hàn Quốc đã bước vào kỳ thi khốc liệt nhất của cuộc đời để tìm kiếm tấm vé bước vào đại học. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc còn gọi là kỳ thi Suneung hay College Scholastic Aptitude Test (CSAT).
Trong vòng 8 tiếng đồng hồ, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Hàn ngữ, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Ngoại ngữ 2 và Khoa học (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
Cũng vì áp lực thi cử nên nhiều học sinh Hàn Quốc đã đặt ra cho mình danh sách những việc muốn làm sau khi hoàn thành xong kỳ thi Suneung, trong đó phải kể đến đầu tiên chính là việc phẫu thuật thẩm mỹ.
Phẫu thuật thẩm mỹ từ lâu đã được học sinh, đặc biệt là nữ sinh Hàn Quốc coi là "phần thưởng" dành cho mình sau 12 năm miệt mài đèn sách.
Vì vậy, hằng năm khi kỳ thi đại học kết thúc, rất nhiều học sinh tìm đến cơ sở thẩm mỹ để "tân trang" nhan sắc khi đã bước qua rào cản của độ tuổi vị thành niên, được toàn quyền quyết định những thay đổi trên gương mặt mình.
Cùng với đó, nhiều phòng khám và thẩm mỹ viện cũng đưa ra mức giá ưu đãi và giảm giá đặc biệt dành riêng cho học sinh vừa trải qua kỳ thi đại học.
Theo Koreatimes, một phòng khám ở Seocho-dong (Seoul, Hàn Quốc) đã tung ra chương trình khuyến mãi kéo dài đến ngày 31/12 dành cho học sinh cuối cấp 3, những thí sinh thi lại và cả những người đã vượt qua kỳ thi trước đây. Phòng khám giảm giá cho các ca phẫu thuật mắt, mũi và điều trị mụn.
Một thẩm mỹ viện khác ở Gunsan (tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc) cũng giảm giá 20% cho phẫu thuật mắt 2 mí - tiểu phẫu phổ biến nhất trong giới trẻ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giữa "cơn bão" nô nức đi phẫu thuật thẩm mỹ của học sinh Hàn Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng họ cần chọn lựa một thẩm mỹ viện uy tín và bác sĩ có kinh nghiệm để tránh rủi ro không đáng có, không nên quyết định nhanh chóng chỉ vì mức giá hấp dẫn.
Lam (tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Học sinh Hàn Quốc 'tự thưởng' sau kỳ thi Đại học bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].