Trương Anh Ngọc là phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, nhà văn.
Anh cũng là một tác giả với những đầu sách gây tiếng vang như 'Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu', 'Phút thứ 90++'...
Gia Đình Mới xin chia sẻ một bài viết của anh Trương Anh Ngọc về những người đàn ông thời hiện đại.
Ông bạn mình bị trầm cảm nặng do quá nhiều áp lực trong công việc và đặc biệt là do 'cơm không lành, canh không ngọt' trong cuộc sống gia đình.
Nhưng điều đáng tiếc là bạn lại không có được những người có thể giúp mình vượt qua những rắc rối ấy trong cuộc sống.
Rất đơn giản, bạn có một đội nhậu, và khi cuộc sống trở thành tù ngục, bạn tìm đến họ, trút tâm sự vào đó, lấy rượu làm nguồn vui.
Cho đến một hôm, bạn nhận ra rằng, họ không thể giúp được gì, mà còn khiến sức khỏe của bạn trở nên tệ hơn.
Đấy là điều một người bạn mình đã trải qua. Anh ấy là một người đàn ông rất tuyệt, cho đến khi không thể điều hòa hết các mối quan hệ trong cuộc sống của mình và trở thành một trong số rất nhiều những người đàn ông trầm cảm trong xã hội.
Điều đáng tiếc là ở mình, việc tìm đến các bác sĩ tâm lý không phải là một thói quen.
Việc làm một điều gì đó khi tâm lý vỡ vụn vì các áp lực thường là tìm đến rượu, và các bạn nhậu rất dễ dàng có thêm chủ đề để tụ tập.
Hôm nay họ nhậu thằng A, ngày mai họ nhậu thằng B, ngày kia là chuyện con C.
Hóa ra, đàn ông yếu đuối trước áp lực hơn người ta tưởng, nhất là những người đàn ông đã lớn lên trong những hoàn cảnh quá êm ấm, thiếu va chạm trong cuộc sống và đã quá quen với cảnh là cậu ấm.
Phụ nữ còn có thể tâm sự được với nhau, thậm chí đưa chuyện của mình lên Facebook, nhưng đàn ông, vì sĩ diện, vì ngại, chẳng mấy khi làm điều này. Và áp lực càng lớn lên.
Nhiều người sẽ nói, đàn ông như thế là không đáng đàn ông, là quá yếu đuối. Nhưng trên thực tế, không thiếu những người như vậy.
Bị tư tưởng Á Đông bó buộc khi là đàn ông, họ phải che giấu con người thực của mình, không dám nói lên chính kiến hoặc bộc lộ cá tính thật.
Có những câu chuyện rất buồn đã xảy ra trong nhiều gia đình, khi người bố thường xuyên đánh hoặc mắng những người con trai yếu đuối, cho rằng như thế không phải đàn ông.
Nhiều người chỉ trích con trai khi nó tỏ ra mơ mộng hoặc lãng mạn, trong khi sự bao bọc chiều chuộng quá mức của mẹ có thể đẩy chính con trai mình vào bi kịch gia đình, khi cậu con trai ấy lớn lên và lấy vợ.
Một người mẹ không thể thay thế được người vợ và cũng không thể áp đặt những luật lệ, tư duy của thế hệ bà ấy lên cuộc sống gia đình của con trai theo cách can thiệp ấy.
Chuyện này đã xảy ra rất nhiều, một phần cũng chính vì sự thiếu trưởng thành về mặt xã hội của con trai.
Cậu bạn mình là một trường hợp như thế. Sự trưởng thành của người đàn ông đôi khi chậm hơn rất nhiều so với người phụ nữ, một phần là vì trong gia đình, người ta thiếu một sự giáo dục nhất định để cậu ấy dần lớn lên và làm chủ gia đình tương lai của riêng mình.
Không dạy con tự lập và tôn trọng chính kiến của con trai, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy con trai ra xã hội chính là sự khác biệt lớn giữa các gia đình Việt và gia đình Phương Tây.
Việc kiếm tìm những giải pháp nhằm gỡ rối khi chịu áp lực cũng là sự khác biệt lớn giữa đàn ông Việt và đàn ông các nước Phương Tây.
Đàn ông mình cũng ít thổ lộ điều gì đó thuộc về cá nhân, về những điều yếu kém hoặc vấn đề mà họ đối mặt thường xuyên, vì sự sĩ diện cá nhân buộc họ im lặng, hoặc tìm đến những cách giải quyết khá tiêu cực.
Một ngày cho đàn ông thực ra không phải là để tôn vinh họ.
Đàn ông làm chuyện lớn, đương nhiên rồi. Nhưng đàn ông cũng yếu đuối, cũng đầy những vấn đề lớn phải đối mặt, như cậu bạn mình.
Cần một ngày như thế để xã hội cùng nhìn vào và bản thân họ cũng có thể nói ra những điều trăn trở rất đời thường...
Quốc tế nam giới 19/11 bắt nguồn từ đâu?
Ngày này được bắt đầu vào năm 1999 ở Trinidad và Tobago và được Liên Hợp Quốc ủng hộ, và nhận được sự ủng hộ của các nhóm nam giới ở Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Caribe.
Mục đích của ngày Quốc tế Nam giới là tập trung vào sức khoẻ của nam giới và trẻ em nam, cải thiện quan hệ giữa các giới, thúc đẩy bình đẳng giới và làm nổi bật vai trò của nam giới.
Đây là dịp để nam giới nêu bật sự phân biệt đối xử với họ và để kỷ niệm những thành tựu và đóng góp của mình, đặc biệt là đóng góp đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân và chăm sóc con cái.
Thăm dò ý kiến: Theo bạn liệu ngày Quốc tế nam giới có nên được tổ chức hay không?
Mai Hoa (ghi nhận)Bạn đang xem bài viết Hóa ra đàn ông Việt yếu đuối trước những áp lực hơn người ta tưởng tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].