Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 20/8, Hà Nội đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho hơn 73.000 người dân trở về từ Đà Nẵng (trong khoảng thời gian từ ngày 15-7 đến 29-7) tại 30 quận, huyện, thị xã.
Toàn bộ số lượng mẫu xét nghiệm này đã được gửi về 4 cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để tiến hành làm xét nghiệm.
Đến ngày 20/8, đã có kết quả xét nghiệm của 46.805 mẫu âm tính, trong đó có 1 mẫu dương tính là bệnh nhân 979 (ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, về lý thuyết, thời gian ủ bệnh COVID-19 là trong vòng 14 ngày. Nhưng thực tế có những ca mắc COVID-19 có thời gian ủ bệnh dài hơn, trên 20 ngày.
Vậy nên, CDC Hà Nội khuyến cáo, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, những trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm vẫn cần tuân thủ tuyệt đối về cách ly.
Đối với những trường hợp xét nghiệm âm tính thì vẫn tiếp tục cách ly theo dõi theo đúng quy định để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, hiện các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.Hà Nội đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ người vào bệnh viện, thực hiện khai báo y tế, phân luồng khám sàng lọc, thiết lập khu cách ly, điều trị bệnh nhân, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đồng thời, mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2 có chỉ định đối với các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng; hội chứng cúm; các trường hợp ho, sốt, khó thở chưa xác định được nguyên nhân, bệnh nhân nặng, bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, nhân viên y tế tham gia khám sàng lọc, làm việc tại khu cách ly, điều trị, khu chăm sóc bệnh nhân nặng.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội đã lấy đủ mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hơn 73.000 người dân về từ Đà Nẵng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].